Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS): Sản lượng tăng mạnh trong năm 2022 dù các thách thức tiềm ẩn

Nguồn: VCSC

Sản lượng tăng mạnh trong năm 2022 dù các thách thức tiềm ẩn

 

SCS

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và nâng giá mục tiêu thêm 10% lên 190.000 đồng/CP.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) hiệu ứng tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2023 so với trước đây là cuối năm 2022 và (2) chúng tôi giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu từ 10,5% còn 9,7% do chúng tôi hiện áp dụng mức beta 0,6, thấp hơn so với trước đây là 0,7 - phù hợp với mức beta sau điều chỉnh của SCS từ dữ liệu hàng tuần trong 2 năm qua.
  • Chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 và nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 11% khi chúng tôi tăng dự báo thu nhập tài chính cho giai đoạn này tương ứng với kỳ vọng của chúng tôi rằng SCS sẽ giữ lại vốn cho kế hoạch mở rộng trong tương lai tại Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) Giai đoạn 1.
  • Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 16% YoY đạt 976 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 24% YoY đạt 701 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của SCS sẽ được hưởng lợi từ việc Việt Nam mở cửa trở lại các chuyến bay chở khách quốc tế và hoạt động sản xuất phục hồi.
  • Chúng tôi cho rằng SCS có định giá tương đối hấp dẫn nhờ bảng cân đối kế toán lành mạnh và vị thế thị trường độc quyền đôi bền vững. Ngoài ra, công ty có mức định giá không cao với PEG giai đoạn 2021-2024 là 0,8 lần.
  • Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Dòng chảy thương mại giảm; hạn chế về công suất sân bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN).

Chúng tôi kỳ vọng sản lượng hàng hóa quốc tế năm 2022 của SCS sẽ tăng trưởng 14% YoY mặc dù tăng trưởng 41% YoY trong quý 1/2022. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ giảm tốc vào cuối năm 2022 do (1) các gián đoạn liên quan do COVID-19 đối với hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã giảm dần, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không được ưu tiên hơn, ngoài ra (2) các hoạt động thương mại toàn cầu có khả năng giảm sau áp lực lạm phát trên toàn cầu. Chúng tôi dự báo sản lượng hàng hóa quốc tế 2022 của SCS sẽ tăng 14,0% YoY, tức là chỉ tăng 6,2% trong 9 tháng còn lại của năm 2022.

Đầu tư nhà ga hàng hóa ở Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực chính cho SCS trong dài hạn. Định giá hiện tại của chúng tôi đối với SCS thận trọng giả định công ty sẽ không tham gia LTA, cho thấy giá cổ phiếu của SCS khá hấp dẫn mặc dù chưa tính đến hoạt động của công ty tại sân bay mới này. Chúng tôi giả định tổng sản lượng hàng hóa của SCS sẽ giảm 30% YoY trong năm 2026 xuống còn 238.000 tấn (tương đương khoảng 104% tổng sản lượng hàng hóa năm 2021) do khả năng phân bổ lại các chuyến bay từ Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) đến LTA vào năm 2026. Do đó, chúng tôi tin rằng việc thành công đầu tư nhà ga hàng hóa ở LTA sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho SCS. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng SCS sẽ giữ lại vốn để chuẩn bị đấu giá/hợp tác phát triển nhà ga hàng hóa hàng không tại LTA Giai đoạn 1. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2022-2026 xuống 3.600-5.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm so với giả định trước đó của chúng tôi là 10.000-15.500 đồng/cổ phiếu mỗi năm.