Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS): Triển vọng dài hạn rõ nét hơn khi dự án LTA có tiến triển

Nguồn: VCSC

Triển vọng dài hạn rõ nét hơn khi dự án LTA có tiến triển

 

SCS

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn (SCS) dù điều chỉnh giảm 3,1% giá mục tiêu (TP) xuống còn 99.500 đồng/CP. Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi là do giả định lãi suất phi rủi ro của chúng tôi tăng 0,5 điểm %. Trong khi đó, chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022 – 2026.
  • Trong năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ tăng 16% YoY đạt 975 tỷ đồng – chủ yếu nhờ vào sản lượng hàng hoá tăng 8,9% YoY và giá dịch vụ trung bình (ASP) tăng 7,0% YoY – và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 24% YoY đạt 700 tỷ đồng.
  • Trong giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt là 16% và 18%, mà chúng tôi cho rằng sẽ được dẫn dắt bởi tăng trưởng sản lượng hàng hoá duy trì ổn định và tăng trưởng ASP nhờ vào các hoạt động sản xuất và tiêu thụ tăng tại các tỉnh phía Nam, cùng với vị thế độc quyền đôi ổn định của SCS tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN).
  • Trong năm 2026, chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giảm 17% YoY xuống còn 896 tỷ đồng do chúng tôi dự báo sự dịch chuyển các chuyến bay từ SGN sang Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) trong năm 2026.
  • Chúng tôi cho rằng SCS có định giá hấp dẫn với PEG giai đoạn 2021 – 2024 là 0,7 lần (theo dự báo của chúng tôi) nhờ SCS có bảng CĐKT mạnh và vị thế độc quyền đôi ổn định. Dự báo và định giá hiện tại của chúng tôi thận trọng giả định rằng SCS sẽ không tham gia vào dự án LTA, tương ứng giá cổ phiểu của SCS là khá hấp dẫn mặc dù chưa tham gia vào dự án sân bay mới này. Do đó, chúng tôi cho rằng việc tham gia vào dự án LTA thành công sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho SCS.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Lưu lượng hàng hoá thấp hơn; hạn chế công suất sân bay tại SGN.

SCS sẽ mở rộng công suất tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) và giành thêm thị phần sản lượng hàng hoá. SCS cho biết công ty có thị phần khoảng 40% sản lượng hàng hoá tính đến cuối tháng 6/2022 so với khoảng 37% vào cuối năm 2021, do công ty đối thủ của SCS là CTCP Dịch vụ Hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS) đã hoạt động 100% công suất và chưa có kế hoạch mở rộng trong trung hạn. SCS đã đầu tư và thiết kế ga hàng hoá hàng không hiện tại với tổng công suất 350.000 tấn hàng hoá/năm. Tuy nhiên, SCS cho biết công suất vận hành hiện tại chỉ đạt khoảng 250.000 tấn/năm do công ty chưa đầu tư đủ máy móc nhằm đạt được công suất 350.000 tấn/năm. SCS đã bắt đầu đầu tư máy móc nhằm tăng công suất lên 350.000 tấn/năm với vốn XDCB ước tính khoảng 7 triệu USD trong giai đoạn 2022-2025 – phù hợp với dự báo hiện tại của chúng tôi là 7,2 triệu USD trong giai đoạn này.

Đầu tư vào dự án ở sân bay Quốc tế Long Thành sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho SCS trong dài hạn. Chúng tôi dự báo tổng sản lượng hàng hoá của SCS sẽ giảm 30% YoY trong năm 2026 xuống còn khoảng 231.000 tấn (tương đương khoảng 102% tổng sản lượng hàng hoá trong năm 2021) do sự dịch chuyển các chuyến bay từ SGN sang Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) trong năm 2026. SCS cho biết đấu thầu cho nhà ga hàng hoá hàng không tại LTA sẽ do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Nếu SCS thành công mở rộng đầu tư dự án cảng hàng hóa tại LTA, chúng tôi cho rằng đây sẽ là yếu tổ hỗ trợ tích cực đáng kể cho SCS.