Dịch vụ tài chính: Hành trình nâng hạng TTCK Việt Nam; Nỗ lực từng bước

                            Nguồn: HSC

Hành trình nâng hạng TTCK Việt Nam; Nỗ lực từng bước

 

 

 

  • HSC kỳ vọng với quyết tâm cao của cơ quan quản lý cùng với các giải pháp khả thi đang được xem xét, quy định ‘phải đảm bảo đầy đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch chứng khoán’ có thể được gỡ bỏ trong nửa đầu năm 2024, trước khi diễn ra đợt review thường niên của FTSE vào tháng 9.
  • Dựa trên vốn hóa thị trường có thể đầu tư hiện tại, thị trường Việt Nam có thể sẽ được phân bổ tỷ trọng khoảng 0,5% nếu được nâng hạng. HSC ước tính việc nâng hạng sẽ thu hút lượng vốn khoảng 2,5-5,4 tỷ USD, giai đoạn từ cuối năm 2024 (khi được FTSE nâng hạng) đến năm 2026-2027 (khi được MSCI nâng hạng).
  • Chúng tôi nhấn mạnh lại quan điểm việc nâng hạng thị trường là yếu tố tích cực trong trung, dài hạn đối với các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có thế mạnh ở phân khúc khách hàng tổ chức như SSI và VCI (trong các công ty HSC khuyến nghị).
Nội dung chính
 
Chỉ số thị trường mới nổi MSCI và FTSE bao gồm 24 thị trường trong giỏ chỉ số với tổng giá trị vốn hóa các thị trường này trong 2 giỏ tương đương nhau (chỉ số MSCI là 6,8 nghìn tỷ USD và FTSE là 6,4 nghìn tỷ USD, tính tại thời điểm ngày 30/11). Sự khác nhau giữa 2 chỉ số năm ở cơ cấu thị trường (Hàn Quốc được chỉ số FTSE xếp hạng là thị trường phát triển trong khi MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi), số lượng cổ phiếu và quy mô vốn hóa (chỉ số FTSE bao gồm nhiều cổ phần hơn nhưng quy mô vốn hóa nhỏ hơn), và quan trọng nhất là tiêu chí của giỏ chỉ số (trong đó chỉ số MSCI nhấn mạnh độ mở và khả năng tiếp cận của thị trường).
 
Việt Nam đã ở trong danh sách theo dõi cho nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE kẻ từ tháng 9/2018 và tiến triển sau đó là tương đối chậm chạp. Trong nhiều tiêu chí cần được cải thiện, gỡ bỏ quy định ‘phải đảm bảo đầy đủ tiền trước khi giao dịch’ là tiêu chí chủ chốt để thị trường Việt Nam được FTSE nâng hạng. Với quyết tâm cao của cơ quan quản lý cùng với các giải pháp khả thi đang được xem xét, HSC kỳ vọng quy định này có thể được gỡ bỏ vào nửa đầu năm 2024, trước khi diễn ra đợt review thường niên của FTSE vào tháng 9.
 
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Với việc chưa thỏa mãn điều kiện liên quan đến phải đảm bảo
đầy đủ tiền trước khi giao dịch & tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN, cộng với quy trình của MSCI mất nhiều thời gian hơn nên quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI sẽ cần nhiều thời gian hơn. Do đó, câu chuyện Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 11/2026, mặc dù có khả năng xảy ra, nhưng thực sự rất khó khăn.
 
Dựa trên vốn hóa thị trường có thể đầu tư hiện tại, thị trường Việt Nam có thể sẽ được phân bổ tỷ trọng khoảng 0,5% nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi. HSC ước tính việc FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm 387 triệu USD vốn đầu tư trong khi nếu được MSCI nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút được 370 triệu USD từ các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động) lấy chỉ số FTSE và MSCI làm cơ sở. Trong khi đó, vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư chủ động có thể còn lớn hơn nhiều nhưng khó dự đoán hơn. HSC ước tính một cách thận trọng con số này sẽ vào khoảng 2,5-5,4 tỷ USD, bắt đầu thu hút từ cuối năm 2024 (khi được FTSE nâng hạng) đến năm 2026-2027 (khi được MSCI nâng hạng).
 
Chúng tôi nhấn mạnh lại quan điểm việc nâng hạng thị trường là yếu tố tích cực trong trung, dài hạn đối với các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty mạnh ở phân khúc khách hàng tổ chức. Trong số các công ty chứng khoán khuyến nghị, SSI và là 2 trong 3 công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần khách hàng tổ chức và sẽ hưởng lợi nhiều từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi.