Dịch vụ tiện ích - Nước: Làm dịu cơn khát tăng trưởng

                                          Nguồn: HSC

 

 

  • Mức tiêu thụ nước sạch tại Việt Nam dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 8,7% trong giai đoạn 2022-2030 với mức tiêu thụ bình quân đầu người dự báo tăng gấp đôi. Ngoài ra, giá nước sạch tại Việt Nam đang thấp hơn khoảng 40% so với các quốc gia chính trong khu vực và có nhiều dư địa tăng.
  • Trong báo cáo này, HSC đưa ra khuyến nghị lần đầu đối với TDM và BWE, 2 doanh nghiệp cấp nước độc quyền tại Bình Dương và hiện đang mở rộng sang các tỉnh thành khác thông qua hoạt động M&A. Lợi nhuận 3 năm (2022-2025) của 2 doanh nghiệp dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,6%.
  • Mặc dù khuyến nghị Mua vào với cả 2 cổ phiếu, chúng tôi ưa thích TDM hơn – với tiềm năng tăng giá 36,8% tại giá mục tiêu 55.600đ – so với BWE (tiềm năng tăng giá 30,6%) nhờ tỷ suất lợi nhuận thuần điều chỉnh cao.
Triển vọng tăng trưởng giá và sản lượng rất tích cực
 
HSC đánh giá ngành nước Việt Nam là ngành vừa tăng trưởng vừa có tính phòng thủ dựa trên (1) nhu cầu nước sạch trong 10 năm tới dự báo ở mức cao và (2) triển vọng tăng giá nước sạch tại Việt Nam, hiện đang thấp hơn khoảng 40% so với các quốc gia chính trong khu vực.
 
Nói chung, chúng tôi ước tính mức tiêu thụ nước sạch tại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 8,7% trong giai đoạn 2022-2030 (tương đương mức tăng trưởng 8,8% trong giai đoạn 2005-2022) với mức tiêu thụ nước bình quân đầu người dự báo tăng gấp đôi. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn trong ngắn hạn, mức tiêu thụ nước toàn quốc vẫn có thể tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Lưu ý rằng mức tiêu thụ nước bình quân đầu người tại Việt Nam hiện là 87 m3 so với 53 m3 trong năm 2013 và 24 m3 trong năm 2005; vẫn thấp hơn khoảng 60% so với bình quân các nước chính trong khu vực Châu Á. HSC kỳ vọng mức tiêu thụ nước sạch của Việt Nam sẽ tăng nhờ cả nhu cầu dân dụng (dân số và tỷ lệ đô thị hóa tăng từ chỉ 37,1% hiện nay) và sản xuất công nghiệp (nhờ thu hút thêm vốn FDI).
 
Phân tích sâu ngành cung cấp nước sạch tại Việt Nam
 
Theo HSC, Bình Dương là một trong những địa phương có nhu cầu nước sạch tăng trưởng mạnh nhờ có vị trí chiến lược trong phát triển KCN và tỷ lệ đô thị hóa có xu hướng tăng. Chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị lần đầu đối với 2 doanh nghiệp cấp nước sạch độc quyền tại Bình Dương gồm TDM (CTCP Nước Thủ Dầu Một) và BWE (CTCP Nước – Môi trường Bình Dương – BIWASE) – là những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng nhu cầu nước sạch tại Bình Dương. Hai doanh nghiệp này cũng đang mở rộng sang các tỉnh thành lớn khác thông qua hoạt động M&A. Mặc dù dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2022-2025 tương đương mức bình quân cả nước, HSC thấy rằng tỷ lệ thất thoát nước của 2 doanh nghiệp rất thấp, từ 5% trở xuống (tỷ lệ thất thoát nước của Việt Nam: 16,5%) và tốc độ tăng trưởng trong 3 năm tới cao, ở mức 12% (tốc độ tăng trưởng của Việt Nam: 7%). Như vậy, tăng trưởng lợi nhuận của TDM và BWE trong thời gian tới sẽ rất tích cực.
 
Lợi nhuận 3 năm dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,6%
 
Lợi nhuận 3 năm tới của 2 doanh nghiệp ngành nước HSC khuyến nghị dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,6% (sản lượng nước tiêu thụ dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 12% trong năm 2022-2030 và giá nước sạch dự báo tăng 3,7%). Lợi nhuận năm 2023/2024/2025 dự báo tăng trưởng lần lượt 17,3%; 16,6% và 34,6%. Dự báo của chúng tôi lạc quan hơn so với bình quân thị trường cho năm 2023 & 2024 nhưng kém lạc quan hơn cho năm 2025.
 
Định giá & khuyến nghị
 
HSC lạc quan về triển vọng ngành nước Việt Nam và khuyến nghị Mua vào đối TDM (lựa chọn hàng đầu, giá mục tiêu 55.600đ, tiềm năng tăng giá 38,1%) và BWE (giá mục tiêu 57.200đ, tiềm năng tăng giá 31,8%). Sau khi đi ngang trong 3 tháng qua và diễn biến khả quan hơn VN Index bình quân 12,4%; hiện 2 cổ phiếu ngành nước chúng tôi khuyến nghị có P/E trượt dự phóng 1 năm là 12,8 lần; tương đương bình quân 2 năm và nhiều khả năng sẽ được định giá lại ở mặt bằng mới cao hơn nhờ tiềm năng tăng trưởng tích cực.