Điện Gia Lai (GEG): Đối tác chiến lược mới hỗ trợ khả năng mở rộng công suất

Nguồn: VCSC

Đối tác chiến lược mới hỗ trợ khả năng mở rộng công suất

 

GEG

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Điện Gia Lai (GEG) thêm 11% lên 23.300 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG. GEG là công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh của Việt Nam và danh mục đầu tư điện hiện tại có công suất là 446 MW. Công ty đặt mục tiêu đạt công suất 2.000 MW trong dài hạn, mà chúng tôi tin rằng sẽ có thể đạt được sau hợp tác đối tác chiến lược mới JERA - nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản.
  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) do loại bỏ chiết khấu định giá 15%, bù đắp cho mức cắt giảm 20% dự phóng LNST năm 2022 của chúng tôi và tăng 50 điểm cơ bản trong giả định lãi suất phi rủi ro của chúng tôi.
  • GEG là công ty trong danh mục theo dõi của chúng tôi sẽ được hưởng lợi sớm nhất khi Tổng Quy hoạch Phát triển điện VIII được phê duyệt và lĩnh vực điện tái tạo có cơ chế định giá mới và chúng tôi cho rằng mức P/E 2023 đạt 16,1 lần là hợp lý so với mức P/E trung bình 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 16,3 lần.
  • Chúng tôi dự báo LNST 2022 tăng 36% YoY do đóng góp cả năm từ 3 trang trại điện gió (130 MW - hoặc 30% tổng công suất của GEG) đi vào hoạt động vào tháng 10/2021.
  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 23% trong giai đoạn 2021-2026, nhờ vào việc tăng gấp đôi công suất điện gió từ 2 trang trại bổ sung (130 MW) đi vào hoạt động sau năm 2022, hoạt động ổn định của 5 trang trại điện mặt trời và 14 nhà máy thủy điện, và chi phí lãi vay giảm.
  • Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận từ việc thoái vốn công ty con; hoạt động sớm hơn dự kiến của 2 trang trại gió mới; chi phí lãi vay thấp hơn dự kiến do tái cấp vốn.
  • Rủi ro: Rủi ro pha loãng do huy động vốn; giá điện năng lượng tái tạo thấp hơn dự kiến.

GEG đã giải ngân thêm cho dự án điện gió Tân Phú Đông 1 vốn sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Tính đến cuối quý 2/2022, GEG đã tăng vốn đầu tư vào Tân Phú Đông 1 (100 MW) lên 457 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng dự án này sẽ được hưởng lợi khi cơ chế định giá mới được áp dụng.

Chúng tôi đưa kế hoạch tăng vốn của GEG vào dự báo của chúng tôi. ĐHCĐ của GEG đã thông qua kế hoạch phát hành 30,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá 14.000 đồng/CP. Phương thức phát hành sẽ thông qua đợt phát hành quyền với tỷ lệ 1.000:94 (có khả năng thực hiện vào quý 4/2022). GEG cũng có kế hoạch phát hành 9 triệu cổ phiếu ESOP.

JERA trở thành nhà đầu tư chiến lược mới của GEG. Công ty điện Nhật Bản JERA đã mua lại 35% cổ phần của GEG từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Armstrong Asset Management. Do đó, JERA hiện là cổ đông nước ngoài lớn nhất của GEG. Theo Nikkei Asia, giá trị thương vụ là 15 tỷ JPY, tương ứng giá mua lại khoảng 25.000 đồng/CP - cao hơn khoảng 10%-20% so với giá thị trường hiện tại, mà chúng tôi cho là hợp lý do đối tác chiến lược thường có các lợi ích khác so với các nhà đầu tư tài chính. JERA là công ty phát điện lớn nhất Nhật Bản với tổng công suất 80 GW và thị phần 33%. JERA sẽ hỗ trợ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Tập đoàn TTC - công ty mẹ của GEG - và GEG để nâng công suất năng lượng tái tạo lên hơn 2.000 MW.