Dự báo lợi nhuận quý II/2024: Sự hồi phục đang dần rõ nét hơn

                                                                                                                       Nguồn: MBS

 

 

  • Chúng tôi dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng 9.5% svck trong Q2/2024 hỗ trợ bởi mức nền thấp cùng kỳ trong khi sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi nhẹ.
  • Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng chậm lại ở mức 12% svck (Q1/24: 14% svck). Các ngành đạt mức tăng trưởng LN nổi bật gồm bán lẻ (+379% svck), vật liệu cơ bản (+63% svck) tới từ mức nền thấp năm ngoái.
  • Một số ngành ước tính tăng trưởng LN giảm như Bất động sản KCN (-26% svck) do mức nền cao năm ngoái hay dầu khí (-2% svck) do kết quả kém tích cực ở các doanh nghiệp hạ nguồn.
 
Ngành ngân hàng tốc độ tăng trưởng LN có thể giảm nhẹ
 
NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong Quý 2 dự báo sẽ khả quan hơn so với Quý 1 (20/6/2024 TTTD ước đạt 4.17% so với mức 0.26% vào cuối Quý 1/24) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh. Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong Quý 2 này. NPL tăng và LLR giảm là xu hướng chung toàn ngành. Nhìn chung LNST của các NH sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB; một số ngân hàng ghi nhận LNST tăng trưởng âm do LNST cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như STB, BID.
 
Ngành bất động sản phục hồi nhưng phân hóa
 
Kết quả kinh doanh của nhóm BĐS dân cư theo dự phóng của chúng tôi sẽ chưa chứng kiến sự đột phá trong Quý 2 do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều trước thời điểm ban hành các luật liên quan (dự kiến ngày 1/8/2024). Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận Quý 2 này. Lợi nhuận ròng toàn ngành nhiều khả năng đi ngang chủ yếu nhờ VHM khi doanh nghiệp có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng đi kèm với sự phát triển của các cơ sở hạ tầng xung quanh. Một số doanh nghiệp khác có thể chứng kiến mức giảm so với cùng kỳ từ 50-70% như KDH, DXG do doanh thu bàn giao dự án sụt giảm khi so với mức nền cao của quý 2 năm 2023. Phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian sắp tới do mang tính đầu cơ và gặp nhiều vấn đề về pháp lý.
 
Ngành khu công nghiệp lợi nhuận suy giảm trên mức nền cao cùng kỳ
 
Nhìn chung, KQKD trong Q2/24 ngành BĐS KCN có sự suy giảm do cùng kỳ năm ngoái các công ty ghi nhận lợi nhuận cao (SZC, KBC, IDC, PHR). Lợi nhuận của BCM tăng mạnh do có mức nền thấp của Quý 2/23. Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI thực hiện tăng 7.8% svck cho thấy nhu cầu đất KCN đang tăng trưởng tốt. Nguồn cung đất ở khu vực miền Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn từ việc chuyển đổi đất cao su nhờ các vấn đề về pháp lý được giải quyết khi luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.
 
Ngành vật liệu cơ bản tiếp tục phục hồi
 
Ngành vật liệu cơ bản sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong Quý 2 này với điểm sáng nổi bật từ nhóm các doanh nghiệp thép. Nhóm thép cho thấy mức phục hồi lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ trong bối cảnh giá NVL hạ nhiệt tác động tích cực đến biên LN gộp của DN. Giá nguyên liệu than và quặng giảm lần lượt 18% và 20% svck trong khi giá thép chỉ giảm 7% svck giúp biên gộp tăng lên mức trung bình 12% (so với 5% của năm 2023). Giá NVL có thể duy trì ở mức thấp như hiện nay trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu nhập hàng tồn kho nguyên vật liệu tại TQ giảm mạnh (do cắt giảm sản lượng thép). Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ cải thiện trong bối cảnh nhu cầu nội địa hồi phục. Sự hồi phục của nhu cầu và sản lượng tiêu thụ nội địa có thể tiếp tục duy trì tích cực như hiện nay khi nguồn cung BĐS dự kiến sẽ đẩy mạnh kể từ Quý 3. Khả năng tăng giá thép có thể xảy ra trong Quý 3 nhờ nhu cầu cải thiện cũng như áp lực giảm giá của TQ hạ nhiệt.
 
Ngành dầu khí triển vọng khu vực thượng nguồn vẫn tích cực
 
Q2/2024, các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể tiếp tục duy trì trạng thái phân hóa lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu thượng nguồn (PVD, PVS) có thể ghi nhận lợi nhuận tăng tốt svck khi khối lượng công việc tăng, trong đó PVS ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi. Lợi nhuận của PVD không có nhiều đột biến so với quý trước khi giá thuê các giàn JU ổn định và chưa ghi nhận đóng góp của các giàn thuê mới.Dự kiến lợi nhuận của các nhóm cổ phiếu trung nguồn (GAS, PVT) sẽ đi ngang so với cùng kỳ khi Q2 là thời điểm huy động điện khí nhiều hơn, kéo theo sản lượng khí (khí khô, khí hóa lỏng) của GAS có thể cao hơn Q1; cước vận tải dầu khí nhìn chung không tăng đột biến so với cùng kỳ trong khi đội tàu chưa được mở rộng nhanh như dự kiến. Ở khu vực hạ nguồn, lợi nhuận của PLX và BSR phân hóa rõ ràng khi PLX có thể ghi nhận lợi nhuận đi ngang từ mức nền cao của cùng kỳ còn BSR bị ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng và lợi nhuận khi nhà máy bảo dưỡng trong Quý 2.
 
Ngành điện triển vọng từ hoàn thiện khung pháp lý
 
Điện khí: Sản lượng cải thiện trong Q2/24 so với mức thấp Q1/24, hầu hết các nhà máy sử dụng khí Đông Nam Bộ như Nhơn Trạch 1&2 và cụm Phú Mỹ được huy động trở lại nhưng giảm nhẹ so với mức cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến LN các nhóm doanh nghiệp điện khí sẽ cải thiện sv Q1 do được huy động trở lại cùng giá thị trường điện trong Q2 neo cao ~1800-1900đ/kWh. Thủy điện: sản lượng thủy điện cải thiện mạnh từ cuối T5 đầu T6 sau khi phải tích nước trong Q1, các hồ thủy điện ở miền Bắc và Trung duy trì mức nước tốt, sẵn sàng phát điện theo điều độ. Tuy nhiên, doanh thu nhiều thủy điện lớn có thể chưa cải thiện tương ứng theo sản lượng do giá bán giảm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có giá điện hợp đồng thấp. Điện than: Sản lượng điện than có xu hướng giảm từ tháng 6, tuy nhiên đây vẫn là mức huy động ngang svck, dự kiến sản lượng điện than Q2/24 vẫn có thể duy trì tăng trưởng do huy động tốt T4-5/24, hỗ trợ tăng trưởng LN của nhóm. Trong Q2, một số chính sách có hiệu lực như cơ chế tính giá bán lẻ mới có hiệu lực, làm cơ sở để EVN tăng giá điện trong nửa cuối năm, mặt khác, đây cũng là giai đoạn ngành điện đẩy nhanh hoàn thiện các chính sách quan trọng liên quan đến cơ chế tính giá điện LNG và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho NLTT (DPPA), hỗ trợ triển vọng triển khai dự án từ nửa cuối 2024.
 
Ngành bán lẻ phục hồi từ mức nền thấp
 
(1) Bán lẻ ICT-CE: Tiếp tục tăng trưởng chậm, điểm sáng từ lĩnh vực điện máy ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số do thời tiết nắng gắt, nhu cầu lắp máy lạnh gia tăng. Các nhà bán lẻ tăng mức nền giá sản phẩm svck sẽ giúp biên LN gộp cải thiện hơn, từ đó lợi nhuận ròng mảng ICT-CE cải thiện rõ rệt svck. (2) Bán lẻ trang sức: Giá vàng Q2/24 biến động mạnh, tăng mạnh 27 % svck và tăng 15% từ T2/24-T5/24, thúc đẩy nhu cầu giao dịch vàng nhẫn, từ đó doanh thu bán lẻ trang sức dự kiến tăng trưởng 12% svck. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu và tỷ trọng bán vàng miếng, vàng nhẫn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến biên LN gộp của doanh nghiệp bán lẻ trang sức, dự kiến giảm khoảng 3 d% svck. (3) Bán lẻ dược phẩm: Quy mô nhà thuốc gia tăng sẽ giúp doanh thu bán lẻ dược phẩm tăng tốt hơn svck. Dự kiến Long Châu sẽ mở thêm 83 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 1,670. tăng trưởng 34% svck; An Khang duy trì tổng số nhà thuốc, tổng kết, doanh thu bán lẻ dược phẩm dự kiến tăng trưởng khoảng 57% svck.