Dược phẩm Imexpharm (IMP): Lợi nhuận phục hồi khi gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận phục hồi khi gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt

 

IMP

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) khi chúng tôi tin rằng công nghệ sản xuất hàng đầu và công suất dồi dào của IMP cùng với bối cảnh Chính phủ đưa ra những chính sách có lợi cho thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước tại kênh bệnh viện sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng cao trong vài năm tới.
  • Chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2024. Trong khi đó, chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 7% khi việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2022 bù đắp cho việc chúng tôi tăng dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 60 điểm cơ bản lên 11,1% sau khi thay đổi các giả định chi phí vốn.
  • Kỳ vọng các gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt so với năm 2021, chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất lần lượt đạt 50%/29% trong năm 2022/2023, so với mức 1% vào năm 2021 nhờ chi tiêu cho dược phẩm cao hơn - đặc biệt là trong kênh bệnh viện - và giá trị trúng thầu cao vào kênh bệnh viện của IMP.
  • Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp của mảng sản phẩm tự sản xuất của IMP sẽ tăng từ 41,0% vào năm 2020 lên 44,0% vào năm 2024 trong khi ROIC sẽ tăng từ 16,3% vào năm 2020 lên 31,5% vào năm 2024, dựa theo dự báo của chúng tôi rằng hiệu suất hoạt động tại các nhà máy EU-GMP của IMP sẽ cải thiện từ khoảng 25% vào năm 2020 lên khoảng 65% vào năm 2024.
  • Yếu tố hỗ trợ: Hỗ trợ về công nghệ và phân phối từ nhà đầu tư chiến lược SK Group có thể giúp IMP thâm nhập tốt hơn vào phân khúc thuốc nhóm 1 (nhóm thuốc có chất lượng cao nhất trong kênh bệnh viện) và thị trường xuất khẩu.
  • Rủi ro: Sự gián đoạn do dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến lưu lượng khách đến nhà thuốc và bệnh viện; cạnh tranh gia tăng; các chính sách không thuận lợi.

Mức tăng trưởng về giá trị trúng thầu cho thấy triển vọng mạnh mẽ của kênh bệnh viện. Trong 9 tháng đầu năm 2021, IMP đã trúng thầu 1,4 nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng trong gói thầu kênh bệnh viện. 96% số tiền này đến từ các loại thuốc bậc 1 và 2 - bậc cao nhất về chất lượng thuốc trong bệnh viện. Theo quan điểm của chúng tôi, bất chấp những khó khăn hiện tại từ COVID-19, thực tế là giá trị trúng thầu của IMP trong 9 tháng năm 2021 đã tương đương với 150% giá trị trúng thầu của năm 2020 là chỉ báo tốt cho tăng trưởng trung hạn của công ty. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng kênh bệnh viện - hiện chiếm khoảng 75% chi tiêu cho dược phẩm tại Việt Nam - sẽ vượt mức tăng trưởng chung của toàn ngành (theo công ty nghiên cứu thị trường IQVIA dự kiến ở mức 6-9%) được hỗ trợ bởi độ phủ sóng của bảo hiểm y tế toàn dân ngày càng mở rộng và các quy định chặt chẽ hơn về bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc. Tương ứng, chúng tôi dự báo doanh thu từ kệnh bệnh viện của IMP sẽ đạt tăng trưởng CAGR khoảng 55% trong  giai đoạn 2021-2024, qua đó tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu của IMP từ 41% năm 2020 lên 71% vào năm 2024.

Chúng tôi giả định nhà máy IMP4 mới sẽ đi vào hoạt động vào quý 2/2022, qua đó mở rộng thị trường mục tiêu của IMP trong kênh bệnh viện. Không giống như các nhà máy EU-GMPkhác của IMP tập trung vào các loại thuốc kháng sinh beta-lactam truyền thống (như cephalosporin và penicillin), IMP4 sẽ sản xuất các loại thuốc kháng sinh ngoài beta-lactam chất lượng cao mà Việt Nam phải nhập khẩu từ trước đến nay. Do quá trình xét duyệt tiêu chuẩn EU - GMP cho nhà máy IMP4 dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối 2021, chúng tôi kỳ vọng IMP4 sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu vào giữa năm 2022. Chúng tôi dự báo đóng góp của IMP4 vào tổng doanh thu hàng tự sản xuất của IMP lần lượt là 7%/11%/16% trong năm 2022/2023/2024.