Đường Quảng Ngãi (QNS): Cập nhật KQKD sơ bộ năm 2022 của QNS và ngành đường

Nguồn: SSI

Cập nhật KQKD sơ bộ năm 2022 của QNS và ngành đường

 

QNS

 

QNS hiện ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 8,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ). Ngoài ra, QNS đã công bố kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt là 8,4 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ) và 1,0 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ). Chúng tôi lưu ý rằng công ty thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Công ty dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt đợt 2 năm 2022 với tỷ lệ 10%, ngày chốt danh sách là 5/1/2023 (tỷ lệ tạm ứng chi trả cổ tức đợt 1 là 5%).

Đối với mảng sữa đậu nành, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ cho năm 2022/2023 sẽ tương đương với năm 2021 do sức tiêu thụ của người tiêu dùng yếu hơn. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng mảng sữa đậu nành xuống 0% so với cùng kỳ cho năm 2023 (từ mức 2% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó). Đối với mảng đường, chúng tôi giữ nguyên dự báo, với sản lượng đường tinh luyện tăng 33% và tỷ suất lợi nhuận gộp là 28,4% (so với 29,5% trong năm 2022). Theo đó, năm 2023, chúng tôi điều chỉnh giảm 10% dự báo lợi nhuận xuống 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Giá mục tiêu mới của chúng tôi đối với cổ phiếu QNS là 40.400 đồng/cổ phiếu (điều chỉnh giảm từ 44.600 đồng/cổ phiếu), dựa trên P/E mục tiêu là 11 lần đối với mảng sữa đậu nành và 6 lần đối với các mảng hoạt động khác. Với tiềm năng tăng giá 14% (tổng ROI là 22%), chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu QNS.

Cập nhật ngành đường

Trong tháng 11 năm 2022, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022/2023 là 6,2 triệu tấn, so với mức thâm hụt 1,7 triệu tấn của niên vụ trước. Sản lượng toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 dự kiến sẽ tăng lên 182,1 triệu tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ), trong khi tiêu thụ toàn cầu được dự báo chỉ tăng nhẹ lên 176,0 triệu tấn (tăng 0,9% so với cùng kỳ). Thặng dư phát sinh do sản lượng của Brazil tăng 7,8 triệu tấn (tăng 23,6% so với cùng kỳ), nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi giúp tăng năng suất mía đường. Tỷ trọng sản xuất đường và ethanol dự kiến là 45% và 55% (không thay đổi so với vụ trước), do các nhà sản xuất có thể vẫn tập trung vào sản xuất đường. Ngoài ra, sản lượng đường của Thái Lan tăng 1,9 triệu tấn (tăng 18,8% so với cùng kỳ), do việc sản lượng tiếp tục phục hồi sau đợt hạn hán kéo dài hai năm. Ngân hàng Thế giới dự kiến giá đường toàn cầu sẽ giảm 5% so với cùng kỳ vào năm 2023, phù hợp với sự gia tăng thặng dư toàn cầu.

Theo VSSA, sản lượng đường trong nước niên vụ 2022/2023 dự kiến đạt 871 nghìn tấn (tăng 16,6% so với cùng kỳ). Theo USDA, tiêu thụ đường nội địa được dự báo sẽ duy trì khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Mía thường được thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1, sau khi kết thúc mùa mưa. Tuy nhiên, thời tiết mưa nhiều đã làm gián đoạn quá trình thu hoạch và vận chuyển mía, khiến việc sản xuất bị đình trệ đến quý 1/2023. Do đó, kết quả kinh doanh của các công ty sản xuất đường (SBT, QNS) dự kiến sẽ giảm trong quý 4 năm 2022, và phục hồi trong quý 1 năm 2023. SBT thường đạt doanh thu cao nhất vào quý 4, với mức tăng trưởng doanh thu theo quý là 7% trong quý 4/2020 và 16% trong quý 4/2021.

Trong năm 2023, chúng tôi ước tính các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước sẽ tiếp tục hưởng lợi từ thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với đường Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng động thái của đường nhập lậu có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Ngoài ra, chúng tôi dự báo Bộ Công Thương sẽ nâng hạn ngạch nhập khẩu đường tối đa trong năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước. Vào tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã nâng hạn ngạch đường nhập khẩu từ 108 nghìn tấn cho niên vụ 2020/2021 lên 200 nghìn tấn cho niên vụ 2021/2022. Do đó, chúng tôi dự báo giá đường năm 2023 sẽ giảm 5-10% so với mức đỉnh năm 2022 xuống khoảng 18.000-19.000 đồng/kg.