Đường Quảng Ngãi (QNS): KQKD Q2/2022 thấp hơn dự báo do lợi nhuận mảng đường giảm

Nguồn: HSC

KQKD Q2/2022 thấp hơn dự báo do lợi nhuận mảng đường giảm

 

QNS

 

Tóm tắt

  • Doanh thu thuần Q2/2022 tăng 8,9% đạt 2.202 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng nhẹ 1,3% đạt 365 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần thấp hơn 11% so với dự báo của chúng tôi do kết quả mảng đường kém tích cực.
  • Lợi nhuận gộp mảng đường (bao gồm đường và mật) giảm 35% trong Q2/2022 do sản lượng tiêu thụ đường giảm 15%. Lợi nhuận gộp mảng sửa đậu nành đi ngang do chi phí đầu vào cao.
  • Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tăng 9,7% đạt 4.015 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng 3,8% đạt 541 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với dự báo của chúng tôi.
  • Chúng tôi đang xem xét lại dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022

KQKD Q2/2022 của QNS thấp hơn so với dự báo của chúng tôi do kết quả mảng đương kém tích cực. Doanh thu thuần tăng 8,9% so với cùng kỳ đạt 2.202 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ đạt 365 tỷ đồng, thấp hơn 11% so với dự báo của chúng tôi.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tăng 9,7% so với cùng kỳ đạt 4.015 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng 3,8% so với cùng kỳ đạt 541 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với dự báo của chúng tôi.

Mảng đường kém tích cực trong khi mảng sữa đậu nành sát với dự báo

Doanh thu mảng đường (bao gồm đường và mật) giảm 7,4% so với cùng kỳ xuống 426 tỷ đồng trong Q2/2022 do sản lượng tiêu thụ đường giảm 15%. Do đó, lợi nhuận gộp mảng đường giảm 35% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận gộp mảng đường giảm 25% so với cùng kỳ xuống 108 tỷ đồng, chỉ đạt 26% dự báo cả năm 2022 của chúng tôi và thấp hơn 32% so với dự báo của chúng tôi.

Doanh thu sữa đậu nành đạt 1.243 tỷ đồng trong Q2/2022, tăng 5,2% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 0,4% so với cùng kỳ đạt 77,6 triệu lút và giá bán bình quân tăng 4,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mảng sửa đậu nành chỉ đi ngang là 486 tỷ đồng do chi phí đầu vào cao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành tăng 7% so với cùng kỳ đạt 843 tỷ đồng, sát với dự báo của chúng tôi.

HSC đang xem xét lại dự báo

Ngành đường trong nước đang gặp khó khăn do sản lượng đường nhận khẩu từ các quốc gia trong khu vực ASEAN tăng 170% cùng với một lượng đáng kể sản lượng đường buôn lậu.

Gần đây, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa kết thúc cuộc điều tra về đường nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia) từ ngày 21/9/2021 và kết luận hành vi trốn thuế liên quan đến đường xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu từ 5 quốc gia này. Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất các biện pháp chống lại hành vi trốn thuế. Nếu các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng, các doanh nghiệp sản xuất đường sẽ được hưởng lợi. HSC đang xem xét lại dự báo của mình.