FPT: Nền tảng vững chắc để tăng trưởng lợi nhuận cao

Nguồn: VCSC

Nền tảng vững chắc để tăng trưởng lợi nhuận cao

 

FPT

 

  • CTCP FPT (FPT) tổ chức ĐHCĐ năm 2022 vào ngày 07/04/2022. Cuộc họp xoay quanh nhiều chủ đề, bao gồm kế hoạch và triển vọng kinh doanh năm 2022 của công ty.
  • Đối với năm 2022, FPT đặt kế hoạch LNTT tăng 20% YoY trong khi dự báo của chúng tôi là 24% YoY. Chúng tôi lưu ý rằng FPT thường vượt mục tiêu lợi nhuận đã đề ra. Trong năm 2021, LNTT của FPT đã cao hơn 2% so với kế hoạch năm.
  • KQKD quý 1/2022 sơ bộ: Doanh thu tăng 26% YoY và LNTT tăng 26%-28% YoY, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Mặc dù KQKD theo mảng chưa được công bố, chúng tôi tin rằng mức tăng trưởng của quý 1/2022 chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của FPT là Xuất khẩu Phần mềm, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông. Do đó, chúng tôi hiện không nhận thấy rủi ro đáng kể nào đối với các dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Chia cổ tức tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng cho năm tài chính 2021: FPT sẽ chia cổ tức tiền mặt đợt 2 với trị giá 1.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 1,1%), dự kiến trả vào quý 2/2022. Nếu tính cả đợt cổ tức này, tổng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 đạt 2.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 2,2%). FPT cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1 (5 cổ phiếu hiện hữu được thêm 1 cổ phiếu) trong quý 2/2022.
  • Cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2022: 2.000 đồng/cổ phiếu dựa trên số lượng cổ phiếu mới sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng nêu trên (hoặc 2.400 đồng/cổ phiếu dựa trên số lượng cổ phiếu hiện tại), tương ứng lợi suất 2,6% dựa trên giá cổ phiếu đóng cửa hôm nay.
  • Kế hoạch ESOP được thông qua cho năm tài chính 2021: 0,5% cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ - công nhân viên và tối đa 0,23% cổ phiếu đang lưu hành cho các giám đốc điều hành cấp cao nhất sẽ được phát hành vào năm 2022 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành cho cán bộ - công nhân viên sẽ bị hạn chế giao dịch trong 3 năm trong khi số cổ phiếu phát hành cho các giám đốc điều hành cấp cao sẽ bị hạn chế giao dịch trong 10 năm.
  • ĐHCĐ cũng đã bầu ra HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 2 thành viên độc lập mới có nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ CNTT - ông Hiroshi Yokotsuka (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thông tin Nhật Bản) và ông Hampapur Rangadore Binod (nguyên giám đốc công ty Dịch vụ CNTT Ấn Độ Infosys).

FPT nhận thấy cơ hội tăng trưởng lớn từ chi tiêu CNTT trong nước khi cả Chính phủ và các doanh nghiệp đều đẩy mạnh chuyển đổi số (DX). Theo ban lãnh đạo, DX là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chi tiêu của Chính phủ ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh. Tính đến đầu năm 2022, 54 trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đã công bố quy hoạch tổng thể về DX. Theo FPT, DX sẽ chiếm ít nhất 1% ngân sách hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 5 năm tới. Năm 2021, FPT đã làm việc với 40 tỉnh thành, thành phố và ký kết hợp đồng chiến lược với 14 tỉnh thành. Ngoài ra, FPT đang nhận được nhu cầu rất lớn từ các tập đoàn tư nhân như MSN, Sovico (một tập đoàn tư nhân bất động sản), DXG và CTD.

Năng lực tư vấn và công nghệ là trọng tâm của FPT trong chiến lược M&A. FPT đang tìm kiếm cơ hội mua lại các công ty tư vấn bổ sung để nâng cao năng lực đầu cuối của công ty - tương tự như thương vụ mua lại công ty tư vấn Intelinet của Mỹ vào năm 2018. Theo ban lãnh đạo, xung đột Nga-Ukraine mang lại cho FPT nhiều mục tiêu M&A hơn khi tình hình căng thẳng này ảnh hưởng năng lực làm việc với khách hàng nước ngoài của các công ty CNTT ở cả Nga và Ukraine - vốn là những trung tâm dịch vụ CNTT lớn trên toàn cầu. Đối với mục tiêu M&A trong nước, FPT sẽ đầu tư vào các công ty sản phẩm phần mềm dựa trên nền tảng đám mây tương tự như Base.vn (được mua lại vào năm 2021).

Blockchain và metaverse là những công nghệ chiến lược tiếp theo của FPT. Ngoài các công nghệ chính hiện tại của DX – đám mấy/cloud và trí tuệ nhân tạo/AI - FPT nhận thấy nhu cầu cho công nghệ blockchain và metaverse sẽ gia tăng trong vài năm tới. Công ty đã tích cực xây dựng các sản phẩm trong các lĩnh vực này cũng như nâng cao các kỹ năng cần thiết cho nhân viên của công ty. Cũng liên quan, gaming - vốn gắn liền với metaverse - có thể là một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng của FPT và đã được đưa vào các chương trình đào tào của Đại học FPT.