FPT: Sức mạnh nội tại có thể giúp vượt qua giai đoạn suy thoái

Nguồn: SSI

Sức mạnh nội tại có thể giúp vượt qua giai đoạn suy thoái

 

FPT

 

Luật An ninh mạng được thông qua gần đây có thể là một yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu của Việt Nam và điều này có thể có lợi cho mảng dịch vụ viễn thông của FPT. Theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022), các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (thuộc các lĩnh vực như Dịch vụ viễn thông; lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; trung gian thanh toán; dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử trên mạng,...) phải tiến hành lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Trước đây, một số doanh nghiệp nước ngoài lưu trữ dữ liệu của họ ở Singapore và Hongkong. Khi Nghị định 53/2022 có hiệu lực, chúng tôi cho rằng nhu cầu trung tâm dữ liệu có thể có thể tăng lên và các đơn vị cung cấp dịch này sẽ hưởng lợi như FPT.

FPT có tỷ trọng doanh thu ở thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành. Chúng tôi lo ngại về khả năng xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến tình hình lạm phát của EU và rủi ro suy thoái tiềm ẩn, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu cho CNTT ở Châu Âu. Tuy nhiên, FPT có tỷ trọng doanh thu ở thị trường EU không đáng kể và ở mức thấp nhất so với các công ty cùng ngành tại Ấn Độ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng mảng CNTT nước ngoài của FPT ít bị ảnh hưởng hơn so với các đối thủ trong trường hợp chiến tranh kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Về mối lo ngại về việc đồng JPY mất giá, trong cuộc họp nhà đầu tư ngày 10/8/2022, Ban lãnh đạo FPT đã chia sẻ rằng việc giảm giá đồng Yên Nhật đã được công ty chủ động phòng ngừa và đã giúp tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT nước ngoài không bị giảm 2% trong nửa đầu năm 2022. Biết rằng doanh thu tính bằng đồng Yên Nhật chiếm khoảng 40% tổng doanh thu CNTT nước ngoài của FPT trong 6 tháng đầu năm 2022. Mảng CNTT nước ngoài ghi nhận tỷ suất LNTT là 15,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với 15,9% của 6 tháng đầu năm 2021. Hơn nữa, việc biên LNTT của mảng CNTT nước ngoài điều chỉnh giảm nhẹ 10 bps trong 6 tháng đầu năm 2022 một phần là do điều chỉnh lương, và triển khai chương trình giữ chân nhân tài dành cho cán bộ nhân viên. Lần gần đây nhất, chúng tôi nhận thấy tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT nước ngoài đã cải thiện 90 điểm cơ bản trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2022 so với 6 tháng đầu năm 2022.

Chúng tôi nhắc lại lợi thế chi phí thấp của FPT trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Dựa trên khảo sát của FPT & SSI Research, mức lượng kỹ sư CNTT của Việt Nam và FPT thấp hơn khoảng 25% so với các đối thủ cạnh tranh tại Ấn Độ và các nước châu Á khác (xem Hình 2). Trong bối cảnh lạm phát, kiểm soát chi phí là yếu tố cần được ưu tiên. Năm 2020, khi bùng nổ đại dịch Covid, nhờ lợi thế chi phí thấp và sự cộng hưởng từ thương vụ M&A Intellinet, FPT đã thành công giành được hợp đồng CNTT khổng lồ có trị giá 100 triệu USD từ khách hàng bên Mỹ (COX automotive). Do lợi thế này, Ban lãnh đạo FPT cũng tự tin giữ nguyên mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (ước tính tăng 25% so với cùng kỳ) cho mảng CNTT nước ngoài vào năm 2023.

Mảng CNTT trong nước ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của doanh thu (tăng 18,3% so với cùng kỳ) và LNTT (tăng 13,5% so với cùng kỳ) trong tháng 7~tháng 8 năm 2022 sau khi giảm đi trong quý 2 năm 2022. Cụ thể, trong quý 2/2022, mảng CNTT trong nước ghi nhận doanh thu giảm 19,6% so với cùng kỳ và LNTT giảm 14,4% so với cùng kỳ. Theo công ty, dịch vụ CNTT trong nước giảm tốc do tăng trưởng tín dụng ngân hàng bị hạn chế và thị trường bất động sản bị thắt chặt hơn. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo dự kiến tăng trưởng sẽ tăng lên mức 20% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm nhờ backlog đạt 5.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 23% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 nhờ đóng góp chủ yếu từ mảng công nghệ. Trong quý 3/2022, các nhà đầu tư có thể thấy mảng CNTT trong nước sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cải thiện, cụ thể từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2022, mảng CNTT trong nước đạt mức tăng trưởng LNTT là 13,5% so với cùng kỳ, so với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý 2/2022.

FPT có vị thế tiền mặt ròng là 4,9 nghìn tỷ đồng, đây sẽ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lãi suất cho vay tăng. Đây cũng có thể là một lợi thế cạnh tranh khác của FPT so với các công ty khởi nghiệp với dòng tiền yếu hơn. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng sự cạnh tranh từ các công ty CNTT khởi nghiệp & quy mô nhỏ có thể được giảm bớt do việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh gặp trở ngại trong môi trường lãi suất tăng. FPT hiện giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 14,2 lần và 11,6 lần với mức tăng trưởng EPS lần lượt là 23% và 22%, tương đương với tỷ lệ PEG hấp dẫn là 0,6-0,5 lần. Hiện tại, mức giá mục tiêu 1 năm là 96.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 36% và khuyến nghị KHẢ QUAN. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục thận trọng theo dõi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với mức chi tiêu cho CNTT.