CTCP Điện Gia Lai (GEG): Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Nguồn: VCSC

Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022

 

GEG

  • Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Điện Gia Lai (GEG) và nâng giá mục tiêu thêm 9,8% lên 22.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng là 14%). GEG là công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh của Việt Nam với danh mục hiện tại là 446 MW và dự kiến đạt 2.000 MW trong dài hạn.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2022 và mức tăng 8%/3%/4% trong dự báo LNST năm 2021/2022/2023 của chúng tôi do chi phí quản lý doanh nghiệp (G&A) và chi phí lãi vay thấp hơn nhờ tái cấp vốn thành công. Chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST giai đoạn 2024-2025.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 sẽ tăng 60% YoY với sự đóng góp của 3 trang trại điện gió (130 MW) đi vào hoạt động vào tháng 10/2021 và sản lượng điện điện mặt trời phục hồi 14%.
  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 24% trong giai đoạn 2020-2025 nhờ 2 trang trại điện gió (130 MW) đi vào hoạt động sau năm 2021, 5 trang trại năng lượng mặt trời và 14 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định, và chi phí lãi vay giảm.
  • GEG đang giao dịch với P/E năm 2022 là 14,6 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi), tương ứng PEG là 0,6. Dù tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao của công ty, chúng tôi giả định GEG có thể trả cổ tức tiền mặt 400 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn dự báo của chúng tôi khi dòng tiền khoảng 10 triệu USD từ danh mục đầu tư thủy điện giúp hỗ trợ giả định cổ tức của chúng tôi và GEG có khả năng thoái vốn cổ phần thiểu số trong danh mục đầu tư hiện có của công ty.
  • Yếu tố hỗ trợ: Đóng góp lợi nhuận từ 25% cổ phần tại CTCP Thủy điện Trường Phú.
  • Rủi ro: Rủi ro cắt giảm cao hơn dự kiến; lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến.

3 trang trại gió đã đi vào hoạt động vào tháng 10/2021 để được hưởng cơ chế giá ưu đãi. Tính đến cuối tháng 10/2021, Ia Băng 1 (50 MW) đã đi vào hoạt động và được hưởng mức giá FiT ưu đãi là 8,5 US cent/kWh trong khi Tân Phú Đông 2 (50 MW) và VPL Bến Tre (30 MW) đã đi vào hoạt động và được hưởng mức giá FiT là US 9,8 cent/kWh. Theo GEG, vốn đầu tư của các nhà máy này gần như nằm trong ngân sách.

GEG đã huy động được 700 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu có lãi cố định. Lượng trái phiếu kỳ hạn 3 năm mới này đang được sử dụng để tái cấp vốn cho các trái phiếu hiện hữu nhằm hưởng lãi suất thấp hơn. Trước đây, GEG đã huy động được 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định là 10,5%/năm trong 2 năm và 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định là 9,5%/năm trong 2
năm đầu tiên, tiếp theo là lãi suất thả nổi (lãi suất chuẩn cộng thêm 3,30%/năm) cho năm còn lại. Với lượng trái phiếu mới này, công ty sẽ trả lãi suất cố định là 9,5%/năm trong 2 năm đầu tiên và sau đó là lãi suất thả nổi (lãi suất chuẩn cộng với 3,28%/năm) cho các năm còn lại.

GEG đang có kế hoạch đưa thêm 2 trang trại điện gió đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022 - 2023. Mặc dù có mức giá FiT mới thấp hơn khoảng 15% so với mức giá FiT ưu đãi trước đây, GEG đang chuẩn bị khởi công thêm 2 trang trại điện gió gần bờ ở khu vực Tây Nam vào giai đoạn 2022 - 2023 - Tân Phú Đông 1 (100 MW) và VPL 2 (30 MW). Chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ ròng/vốn CSH sẽ tăng từ 106% vào cuối năm 2020 lên 267% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy có thể thấp hơn nếu GEG thu hút được đối tác cho các dự án gió này hoặc tăng vốn chủ sở hữu mới. Chúng tôi ước tính IRR không tính đòn bẩy là 10%-12% cho 2 trang trại gió mới này, vẫn duy trì ở mức hợp lý.