Gemadept (GMD): Gemalink sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận; định giá phù hợp

Nguồn: VCSC

Gemalink sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận; định giá phù hợp

 

GMD

  • Chúng tôi giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho CTCP Gemadept (GMD) dù đã tăng giá mục tiêu thêm 6% lên 49.800 đồng/CP.

  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do (1) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến cuối năm 2022 và (2) dự báo khả quan hơn của chúng tôi đối với mảng vận hành cảng của GMD khi tình trạng cạnh tranh trong cụm cảng Hải Phòng hạ nhiệt.

  • Chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 thêm 2,5% chủ yếu do doanh thu từ logistic và các mảng khác thấp hơn dự kiến trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn nghiêm trọng trong quý 3/2021.

  • Trong khi đó, chúng tôi nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 5%, phản ánh dự báo cao hơn của chúng tôi đối với mảng vận hành cảng của GMD trong giai đoạn này.

  • Chúng tôi hiện dự báo doanh thu đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (+11% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 508 tỷ đồng (+39% YoY) trong năm 2021, dự kiến chủ yếu đến từ mảng vận hành cảng của GMD và sự phục hồi của các công ty liên kết từ mức cơ sở thấp vào năm 2020.

  • Đối với năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+8,7% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 687 tỷ đồng (+35% YoY). Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh này sẽ được thúc đẩy bởi đóng góp lợi nhuận cả năm từ Gemalink, vốn đã có lãi từ quý 3/2021.

  • Chúng tôi kỳ vọng GMD sẽ hưởng lợi chính từ đà gia tăng của hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo dự báo của chúng tôi, GMD đang giao dịch tại P/E năm 2022 là 25,1 lần - cao hơn khoảng 30% so với P/E trượt của các công ty cùng ngành - và chúng tôi ước tính GMD có PEG giai đoạn 2020-2023 là 1,1 lần; do đó, chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng trung hạn khả quan của công ty đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

  • Yếu tổ hỗ trợ/(Rủi ro) đối với quan điểm của chúng tôi: Tăng trưởng cao hơn/(thấp hơn) về sản lượng container thông cảng và/hoặc thuế quan; mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam phát triển nhanh hơn/(chậm hơn).

Gemalink sẽ trở thành động lực chính của lợi nhuận vào năm 2022. Hiện tại, chúng tôi giả định rằng Gemalink sẽ ghi nhận lỗ không đáng kể 9 tỷ đồng trong năm 2021 so với dự báo lợi nhuận trước đây của chúng tôi là 39 tỷ đồng, chủ yếu là do tác động tiêu cực nghiêm trọng từ dịch COVID-19 trong quý 3/2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng tôi ước tính Gemalink ghi nhận lỗ 47 tỷ đồng. Trong năm 2022, chúng tôi dự báo Gemalink sẽ đạt lợi nhuận 253 tỷ đồng với sản lượng hàng hóa thông quan dự kiến là 1,3 triệu TEU (+40% YoY; chiếm khoảng 90% công suất Giai đoạn 1).

GMD được hưởng lợi từ việc cạnh tranh dần hạ nhiệt tại cụm cảng ở miền Bắc. Chúng tôi ước tính cảng nước sâu Lạch Huyện (HICT) - đối thủ cạnh tranh chính của các cảng hạ nguồn tại Hải Phòng - sẽ đạt 65% công suất thiết kế vào năm 2021. Do đó, chúng tôi cho rằng HICT sẽ giảm bớt các chương trình khuyến mãi và giảm bớt sự cạnh tranh với các cảng hạ nguồn tại Hải Phòng. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng cảng Nam Đình Vũ Giai đoạn 2 với công suất hàng năm 600.000 TEU (tăng thêm khoảng 55% công suất cảng hạ nguồn của GMD) sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, qua đó thúc đẩy triển vọng trung hạn của GMD đối với cụm cảng này. Chúng tôi hiện dự báo doanh thu từ cảng của GMD sẽ đạt tốc độ CAGR 10% trong giai đoạn 2020-2025 so với dự báo trước đó là 9% để phản ánh quan điểm tích cực hơn của chúng tôi đối với mảng cảng của GMD.