Gỗ Đức Thành (GDT): Định giá hấp dẫn mặc dù chúng tôi bớt lạc quan về triển vọng bán hàng

Nguồn: VCSC

Định giá hấp dẫn mặc dù chúng tôi bớt lạc quan về triển vọng bán hàng

 

GDT

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) mặc dù đã giảm 23% giá mục tiêu. Giá mục tiêu giảm do chúng tôi điều chỉnh giảm 16% tổng LNST giai đoạn 2022-2024F và tăng chi phí vốn chủ sở hữu từ 10,4% lên 11,6%.
  • Nhu cầu giảm từ các nền kinh tế phát triển và nỗ lực giảm hàng tồn kho từ khách hàng khiến chúng tôi cắt giảm 13% tổng doanh thu dự phóng 2022-2024. Lượng đơn đặt hàng các sản phẩm nhỏ của GDT chưa thực hiện tính đến cuối tháng 8/2022 đã giảm 4% YoY bất chấp mức cơ sở thấp của năm 2021 - tương đương với 70% dự phóng 2022 trước đây của chúng tôi.
  • Tuy nhiên, chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận gộp năm 2022-2024 từ 31,2% lên 33,5% do biên LN gộp 6 tháng đầu năm 2022 của GDT vượt kỳ vọng của chúng tôi nhờ tự động hóa và cải thiện năng suất lao động.
  • Chúng tôi duy trì triển vọng trung hạn tích cực cho GDT dựa trên (1) chi phí lao động thấp của Việt Nam giúp tận dụng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, (2) mảng kinh doanh sản phẩm nhỏ của GDT có mức độ cạnh tranh thấp - một thị trường ngách, và (3) các chứng chỉ tuân thủ ESG sẽ thúc đẩy việc thu hút khách hàng - đặc biệt là ở các thị trường thứ cấp như Mỹ và EU.
  • Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E 2023/ 2024 của GDT là 10,2/7,6 lần so với mức trung bình của các công ty cùng ngành trong 3 năm qua là 8,2 lần. Chúng tôi tin rằng công ty xứng đáng được hưởng chênh lệch mức cao hơn so với các công ty khác nhờ ROIC cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi dự báo lợi suất cổ tức tiền mặt hấp dẫn là 10%.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Nhu cầu thấp hơn mong đợi từ các nền kinh tế phát triển; lạm phát chi phí nhân công; chi phí gỗ cao su tăng do diện tích cao su dần thu hẹp ở Việt Nam; yêu cầu ESG khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu chính.

Nhu cầu khách hàng có diễn biến kém tích cực hơn dự kiến – đặc biệt tại các quốc gia Châu Á phát triển. Chúng tôi điều chỉnh giảm 11% dự báo doanh thu các sản phẩm nhỏ giai đoạn 2022-2024. Riêng đối với mảng kinh doanh nội thất mới, chúng tôi điều chỉnh giảm 33% dự báo doanh thu giai đoạn 2022-2024 và giả định mảng này sẽ đóng góp lợi nhuận thấp trong năm 2022. Chúng tôi cho rằng các nỗ lực giải phóng hàng tồn sẽ tiếp tục khiến các đơn hàng mới chững lại trong vài tháng tới, nhưng chúng tôi cho rằng điều này sẽ được phục hồi trong tương lai.

Việc ứng dụng tự động hoá và chương trình khuyến khích nhân viên mang lại kết quả tích cực. Biên EBIT của GDT đã tăng từ 19,1% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 20,9% trong 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù tăng trưởng sản lượng bán hàng chỉ đạt mức một chữ số. Biên lợi nhuận gộp tăng bù đắp cho chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp. GDT đầu tư vào ứng dụng tự động hoá bao gồm các máy chế biến gỗ lớn hơn nhằm giảm khối lượng công việc thủ công của công nhân. Đối với chính sách khuyến khích nhân viên, GDT đã triển khai các chính sách như thưởng theo quý thay cho thưởng định kỳ hàng năm và khen thưởng cho nhân viên đề xuất các ý tưởng tiết kiệm chi phí. Những kế hoạch này đã giúp giảm số lượng nhân viên, giảm tỷ lệ nghỉ việc và chi
phí nhân công.

Ban lãnh đạo hiện có kế hoạch cải thiện mảng quản trị, bán hàng và marketing – đặc biệt đối với mảng bán hàng trong nước. GDT hiện đang nghiên cứu một dự án tư vấn của Ernst & Young Việt Nam. Dựa vào tiềm năng của dự án này, ban lãnh đạo đã đặt mục tiêu doanh thu là 1 nghìn tỷ đồng trong năm 2025 (chưa bao gồm mảng kinh doanh nội thất mới) so với dự báo của chúng tôi cho năm 2025 là 700 tỷ đồng. Ban lãnh đạo của GDT và CTCP Gỗ An Cường (UPCoM: ACG) đã so sánh dự án này với một dự án khác giữa ACG và Ernst & Young – vốn đã đóng góp vào việc tăng gấp đôi doanh thu cho ACG trong giai đoạn 2016-2018. Chúng tôi chưa đưa kế hoạch này vào trong dự báo của chúng tôi do chưa có thông tin chi tiết.