Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII): KQKD Q1/2022 tăng trưởng mạnh nhờ lợi nhuận không thường xuyên, sát kỳ vọng

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2022 tăng trưởng mạnh nhờ lợi nhuận không thường xuyên, sát kỳ vọng

 

CII

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q1/2022 đạt 685 tỷ đồng, tăng 10 lần và doanh thu đạt 712 tỷ đồng (giảm 26%), nói chung sát với dự báo của HSC và chủ yếu nhờ 776 tỷ đồng lãi không thường xuyên từ bán cổ phần NBB (xuống còn 49%).

Nếu loại bỏ khoản mục không thường xuyên, CII ghi nhận lỗ 90,6 tỷ đồng so với dự báo lãi nhẹ 0,9 tỷ đồng của HSC và kế hoạch lỗ dự tính 20 tỷ đồng (lợi nhuận thuần trừ đi 776 tỷ) của ban lãnh đạo cho cả năm 2022.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu cũng như dự báo. Theo dự báo hiện tại, hiện giá cổ phiếu đang chiết khấu 29% so với RNAV, cao hơn mức chiết khấu bình quân 2 năm qua là 18,7%.

Sự kiện: KQKD Q1/2022

CII gần đây công bố KQKD Q1/2022 với lợi nhuận thuần đạt 685 tỷ đồng (so với 48 tỷ đồng trong Q1/2021) và doanh thu giảm 26% so với cùng kỳ xuống còn 712 tỷ đồng – sát với dự báo của HSC.

Kết quả trên đạt được nhờ 776 tỷ đồng lợi nhuận từ bán cổ phần NBB (Không khuyến nghị) để giảm tỷ lệ sở hữu về 49% (từ 93,7%), từ đó NBB không còn hợp nhất vào BCTC của CII. Nếu loại bỏ các khoản mục không thường xuyên, CII ghi nhận lỗ 90,6 tỷ đồng, gần gấp đôi số lỗ (sau khi loại bỏ các khoản mục không thường xuyên) trong Q1/2021 là 42,7 tỷ đồng, chủ yếu vì chi phí lãi vay và lỗ từ mảng xây lắp tăng.

Sau khi loại các khoản mục không thường xuyên, doanh thu Q1/2022 bằng 9,9% dự báo doanh thu của HSC và đạt 9,8% kế hoạch của ban lãnh đạo cho cả năm 2022; trong khi Công ty ghi nhận lỗ 90,6 tỷ đồng so với dự báo lãi nhẹ 0,9 tỷ đồng của HSC và kế hoạch lỗ dự tính 20 tỷ đồng (lợi nhuận thuần trừ đi 776 tỷ) của ban lãnh đạo cho cả năm 2022.

Doanh thu giảm 26% so với cùng kỳ vì không còn hợp nhất NBB

Dưới đây HSC sẽ phân tích KQKD của CII theo từng mảng:

  • Doanh thu phí cầu đường đạt 316 tỷ đồng, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ (tăng 10,7% so với quý trước), chủ yếu nhờ dự án BOT Xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động từ Q2/2021. Nói chung sát kỳ vọng của chúng tôi.
  • Doanh thu BĐS đạt 266 tỷ đồng, giảm 54,3% so với cùng kỳ vì CII không còn hợp nhất NBB (NBB là chủ đầu tư dự án Sơn Tịnh (103 ha, Quảng Ngãi) và dự án Delagi (124 ha, Bình Thuận). NBB cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý cho dự án NBB II (10,2 ha, TP HCM) và NBB III (7,8 ha, TP HCM).
  • Chúng tôi hiều rằng phần lớn doanh thu BĐS Q1/2022 là từ bàn giao những sản phẩm còn lại tại dự án D’verano trong KĐTM Thủ Thiêm, TP HCM.
  • Doanh thu xây lắp đạt 49 tỷ đồng, giảm 53,3% so với cùng kỳ vì công việc xây lắp tại dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (TL-MT) giảm khi dự án dần hoàn thành.
  • Mảng xây lắp Q1/2022 ghi nhận lỗ gộp 15,6 tỷ đồng so với lợi nhuận gộp 8,5 tỷ đồng trong Q1/2021, và đây là lý do chính giải thích cho việc lỗ thuần từ HĐKD thường xuyên tăng trong năm nay. HSC được biết giá VLXD tăng mạnh, đặc biệt là thép đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận mảng xây lắp trong Q1/2022 vì giá trên hợp đồng thi công dự án TL-MT đã được được cố định.
  • Doanh thu từ mảng nước sạch tăng 7,2% so với cùng kỳ đạt 52 tỷ đồng. Mảng này tiếp tục ghi nhận lỗ vì hoạt động với công suất thấp nhưng vẫn hạch toán đầy đủ chi phí khấu hao. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này là -5,9% trong Q1/2022 so với 7,7% trong Q1/2021.

Các điểm đáng chú ý khác trên BCTC Q1/2022

Chi phí lãi vay tăng như dự đoán: Chi phí tài chính Q1/2022 tăng 26,4% so với cùng kỳ lên 361,7 tỷ đồng, chủ yếu là vì chi phí lãi vay tăng (tăng 10,8% so với cùng kỳ) và chi phí bảo lãnh phát hành trái phiếu (tăng 145% so với cùng kỳ lên 45,3 tỷ đồng). Chi phí bán hàng & quản lý trong kỳ giảm 8,3% so với cùng kỳ (giảm 17,4% so với quý trước), chủ yếu là vì chi phí khấu hao phân bổ và chi phí lương giảm vì NLG không còn hợp nhất NBB.

Tình hình tài chính cải thiện nhưng áp lực dòng tiền sẽ tăng lên

Trong Q1/2022, vay nợ của CII giảm 13,3% xuống còn 14,8 nghìn tỷ đồng từ 17 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vay nợ thuần tại ngày 31/3/2022 là 1,64 lần, giảm từ 1,87 lần tại ngày 31/12/2021. Điều này là vì CII không còn hợp nhất nợ từ NBB (tại ngày 31/12/2021 là 1.189 tỷ đồng) vào BCTC và CII đã sử dụng tiền từ bán cổ phần NBB và cổ phiếu quỹ để trả bớt nợ.

Đáng chú ý, tại ngày 31/3/2022, CII có 2,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 1 năm tới. Điều này sẽ gây áp lực lên dòng tiền của Công ty vì CII sẽ không được phép phát hành trái phiếu với mục đích tái cơ cấu nợ theo Thông tư 16 (hạn chế và giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp) (vui lòng tham khảo báo cáo của chúng tôi về vấn đề này: Thông tư 16: Tác động không quá nghiêm trọng tới hầu hết các doanh nghiệp khuyến nghị).

Trong tình hình như vậy, HSC cho rằng việc CII bán tài sản (cổ phiếu NBB, cổ phiếu quỹ, mảng nước sạch (SII; Không khuyến nghị) là hợp lý. Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đi vào hoạt động (dự kiến từ ngày 30/4/2022) cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực dòng tiền cho CII.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Giá cổ phiếu đã giảm 28,9% kể từ lần HSC phát hành Báo cáo doanh nghiệp gần nhất (30/3/2022) trước nhiều thông tin tiêu cực xung quanh việc điều tra nhiều nhân vật lớn trong ngành BĐS cộng với động thái đẩy mạnh giám sát và hạn chế tín dụng dành cho lĩnh vực BĐS. Hiện giá cổ phiếu đang chiết khấu 29% so với RNAV, cao hơn mức chiết khấu bình quân 2 năm qua là 18,7%.

Trước KQKD Q1/2021 và diễn biến giá cổ phiếu gần đây, HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu cho CII.