Hàng không Việt Nam (HVN): Kết quả kinh doanh Quý I/2022 – Vốn chủ sở hữu về mức âm

Nguồn: SSI

Kết quả kinh doanh Quý I/2022 – Vốn chủ sở hữu về mức âm

 

HVN

 

Kết quả kinh doanh

Quý I/2022 Gần đây HVN đã công bố KQKD hợp nhất quý I/2022. Trong quý I hầu như cả nước vẫn áp dụng chính sách hạn chế biên giới, do đó, không quá bất ngờ khi hãng hàng không hàng đầu quốc gia công bố khoản lỗ hợp nhất trong quý này. Theo đó, vốn chủ sở hữu của HVN chính thức âm trong quý. Mặc dù, HVN công bố doanh thu hợp nhất đạt 11,6 nghìn tỷ đồng trong quý I/2022 (+54% so với cùng kỳ), tuy nhiên HVN vẫn chịu khoản lỗ trước thuế là 2,6 nghìn tỷ đồng (mặc dù thấp hơn mức lỗ trước thuế 4 nghìn tỷ đồng trong quý I/2021).

Nguồn thu chính (hàng không) tăng 63% so với cùng kỳ. Doanh thu hàng không nội địa tăng 96% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu hàng không quốc tế tăng 71% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu hàng không thuê chuyến giảm 21% so với cùng kỳ. Doanh thu hàng không trong nước và quốc tế đi theo kỳ vọng sẽ phục hồi cùng với triển vọng của toàn ngành hàng không, khi Việt Nam dỡ bỏ các chính sách giãn cách xã hội trong đầu năm 2022. Nhờ đà phục hồi liên tục, HVN ghi nhận dòng tiền hoạt động khả quan là 1,5 nghìn tỷ đồng trong quý đầu tiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù phần lớn đến từ hoãn các khoản phải trả. Ví dụ, trong quý trước vào tháng 12/2021, HVN đã giao dịch thành công với ALC (Air Lease Corporation) để giảm các nghĩa vụ cho thuê trong hợp đồng hiện tại xuống 420 triệu USD và tạm hoãn các nghĩa vụ trong tương lai thêm 600 triệu USD (bằng cách tạm hoãn hoặc hủy bỏ việc nhận máy bay mới trong những năm tới). Mặc dù triển vọng mở rộng có phần hạn chế do không có máy bay mới, nhưng từ các kế hoạch cải thiện dòng tiền và triển vọng phục hồi của toàn ngành, chúng tôi kỳ vọng triển vọng sẽ khởi sắc từ năm 2024.

Tuy nhiên, doanh thu tăng cũng không đủ bù đắp lợi nhuận, do chi phí nhiên liệu tăng. Giá dầu tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2021, các hãng hàng không hầu như không thể tăng giá vé, nhằm giữ thị phần hơn là tối ưu hóa lợi nhuận tại thời điểm này.

Do đó, tính đến cuối quý I/2021, vốn chủ sở hữu của HVN lần đầu tiên âm 2,1 nghìn tỷ đồng, so với vốn điều lệ 22 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu cuối năm 2019 là 18 nghìn tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư, vì về mặt kỹ thuật, điều này đồng nghĩa với việc HVN sẽ không còn đủ điều kiện để niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên, do HOSE dựa vào báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm để đưa ra quyết định chính thức nên HVN vẫn có cơ hội tiếp tục niêm yết trên sàn HOSE nếu có thể tăng vốn chủ sở hữu trở lại mức dương trước năm 2023, bằng cách chuyển sang có lãi hoặc phát hành vốn chủ sở hữu mới để tăng vốn điều lệ.

Luận điểm đầu tư

2022 là năm phục hồi đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam và các hãng hàng không trên thế giới. Công suất dư thừa cùng với chi phí vận hành tăng cao (giá dầu nhiên liệu cao hơn) cho thấy triển vọng không quá khả quan trong năm nay. Do đó, một trong những mục tiêu chính của các hãng hàng không hiện nay là có thể chuyển cơ cấu vốn sang trạng thái an toàn hơn, bằng cách giảm nợ và các nghĩa vụ tài chính hiện hành, đồng thời tăng vốn chủ sở hữu. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là điều cần thiết trên chặng đường phục hồi. Chúng tôi cũng cho rằng việc nhanh chóng mở lại các tuyến bay đến các điểm đến chính để giữ tệp khách hàng và thị phần là phương án tốt nhất, mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tại thời điểm hiện tại.

Chúng tôi cho rằng HVN (cùng với các hãng hàng không trên thế giới khác) cần thêm một thời gian nữa trước khi có thể ghi nhận triển vọng tươi sáng hơn về tình hình tài chính và kết quả hoạt động. Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của HVN, do đó, chúng tôi đang chờ đợi các thông tin chi tiết trong cuộc họp ĐHCĐ sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây, do sự ủng hộ của các cổ đông là hết sức cần thiết đối với quá trình tái cơ cấu của HVN. Hiện tại, chúng tôi không đưa ra định giá đối với cổ phiếu HVN.