Hàng tiêu dùng thiết yếu - TP&ĐU, Thuốc lá: Báo cáo chiến lược ngành thủy sản - Triển vọng năm 2023 khó khăn hơn

Nguồn: HSC

Báo cáo chiến lược ngành thủy sản - Triển vọng năm 2023 khó khăn hơn

 

 

Tóm tắt

  • Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ khó khăn hơn trong năm 2023 vì tồn kho tại các thị trường chủ chính ở mức cao, nhu cầu nhiều khả năng suy yếu (vì suy thoái kinh tế toàn cầu) và cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác.
  • HSC dự báo cả triển vọng xuất khẩu năm 2023 sẽ giảm cả về lượng (giảm bình quân 20%) và giá (giảm bình quân 11,9%) từ nền cao năm 2022. Theo đó, chúng tôi đã giảm dự báo lợi nhuận của cả 3 doanh nghiệp.
  • HSC giảm 25-40% giá mục tiêu đối với FMC, VHC và MPC sau khi hạ dự báo lợi nhuận và sử dụng giả định định giá mới. FMC (Mua vào) là lựa chọn hàng đầu của HSC với định giá tương đối rẻ, ban lãnh đạo có năng lực và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định.

Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chững lại trong những tháng gần đây, mặc dù tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022 (kim ngạch tháng 9 tăng 37% so với cùng kỳ nhưng tháng 10 và 11 giảm 1,2% và 14,3% so với cùng kỳ xuống còn 907 triệu USD và 750 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ tháng 9 đến tháng 11 theo đó chỉ đạt 2,52 tỷ USD, giảm 16% so với giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 (3 tỷ USD). Số liệu trên thực sự kém khả quan vì giai đoạn tháng 9-11 là thời gian cao điểm của xuất khẩu thủy sản trước các dịp lễ lớn. Hiện HSC cũng quan ngại về triển vọng năm 2023.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ 28% so với cùng kỳ đạt 10,2 triệu USD nhờ kết quả đạt được trong giai đoạn đầu năm rất khả quan. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh nhất, tăng 63% so với cùng kỳ đạt 2,3 tỷ USD trong khi xuất khẩu tôm tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ đạt 4,1 tỷ USD.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn hơn trong năm 2023

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó khăn trong Q1/2023, chủ yếu dựa trên việc lượng đơn đặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, VASEP cho rằng ngành thủy sản sẽ đối mặt với những thách thức sau: (1) mức tồn kho cao từ cuối năm 2022 chuyển sang; (2) nhu cầu có khả năng suy yếu (vì suy thoái kinh tế toàn cầu); và (3) cạnh tranh gay gắt từ các các quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn Việt Nam (các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí nuôi trồng và mặt bằng lãi suất tăng cao).

Định giá và khuyến nghị

HSC giảm 25-40% giá mục tiêu đối với FMC, VHC và MPC sau khi: (1) giảm dự báo lợi nhuận (giảm bình quân 36,8% cho năm 2023 và 37,3% cho năm 2024); (2) sử dụng giả định định giá thận trọng hơn; và (3) chuyển thời điểm định giá về cuối năm 2023.

Lựa chọn hàng đầu của HSC là FMC, doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và xuất khẩu tôm. Mặc dù điều kiện thị trường khó khăn, tỷ suất lợi nhuận gộp của FMC nhiều khả năng vẫn sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ công ty nâng tỷ trọng tôm tự nuôi sau khi đưa thêm diện tích nuôi vào hoạt động. Hiện FMC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 6,5 lần; thấp hơn 0,4 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ là 7,6 lần.

Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cả doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VHC (xuống Tăng tỷ trọng từ Mua vào) với giá mục tiêu 80.500đ (tiềm năng tăng giá 17%) và doanh nghiệp xuất khẩu tôm MPC (xuống Nắm giữ từ Tăng tỷ trọng) với giá mục tiêu 18.200đ (tiềm năng tăng giá 3,4%). Mặc dù triển vọng đang trở nên kém tích cực hơn cho cả VHC và MPC vì nhu cầu tại thị trường Mỹ và EU yếu đi, hiện VHC có thể được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa.