Hóa chất Đức Giang (DGC): Đà tăng trưởng khả quan, ASP tiếp tục xu hướng tăng

Nguồn: VCSC

Đà tăng trưởng khả quan, ASP tiếp tục xu hướng tăng

 

DGC

 

  • CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đã công bố KQKD quý 1/2022 ấn tượng, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, bao gồm doanh thu đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (+86% YoY - 26% dự báo năm 2022 của chúng tôi) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (+370% YoY - 28% dự báo năm 2022 của chúng tôi). Chúng tôi cho rằng lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do giá bán cao kỷ lục và tiết kiệm chi phí từ mỏ quặng apatit của DGC.
  • Tính từ đầu năm, giá photpho vàng (P4) do các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng từ 7.000 USD/tấn lên 7.500 USD/tấn. Ngoài ra, giá Axit photphoric trích ly (WPA) đã tăng từ 665 USD/tấn lên 900 USD/tấn (hàm lượng P2O5 50%) so với đầu năm.
  • Chúng tôi cho rằng lợi nhuận quý 2/2022 sẽ cap hơn so với quý 1/2022 vì chúng tôi kỳ vọng (1) giá bán trung biình (ASP) quý 2/2022 cao hơn quý 1/2022, cao hơn lượng tăng của giá nguyên liệu đầu vào (2) DGC sẽ hoạt động hết công suất trong quý 2/2022, ngược lại trong Q1/2022 công ty đã bảo trì dây chuyền WPA trong vài tuần.
  • Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại vì giá thị trường của các sản phẩm thuộc DGC đang có xu hướng cao hơn kỳ vọng của chúng tôi.

Giá P4 và WPA đã tăng lên mức cao mới. Giá P4 của các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng từ 7.000 USD tấn lên 7.500 USD/tấn tính từ cuối năm 2021 so với mức trung bình 2.500 USD/tấn trong giai đoạn 2016-2020 và 5.500 USD/tấn tại Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng giá P4 của Việt Nam cao do (1) chi phí sản xuất P4 của Trung Quốc tăng và nhu cầu bùng nổ từ lĩnh vực xe điện ở Trung Quốc, (2) thuế xuất khẩu P4 20% của Trung Quốc so với 5% của Việt Nam, (3) tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các đối thủ cạnh tranh Kazakhstan trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine, và (4) các nhà sản xuất Việt Nam đã có năng lực thương lượng mạnh hơn trong bối cảnh trên vì Việt Nam thường chiếm một nửa lượng P4 xuất khẩu trên toàn cầu. Ngoài ra, giá WPA đã tăng từ 665 USD/tấn lên 900 USD/tấn (hàm lượng P2O5 là 50%) kể từ đầu năm do thị trường phân bón toàn cầu thắt chặt trong bối cảnh xung đột quân sự và các hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng giá bán của DGC sẽ điều chỉnh giảm vào năm 2023. Thứ nhất, Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế đối với sản xuất P4 trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ từ ngành công nghiệp xe điện, điều này có thể làm giảm bớt tình trạng thiếu cung hiện nay. Theo Hãng thông tấn tài chính Trung Quốc, Trung Quốc đã phê duyệt tổng công suất P4 mới là 356.000 tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023-2024 (công suất hiện tại của Trung Quốc là 1,4 triệu tấn/năm). Thứ hai, giá đầu vào có thể giảm khi chuỗi cung toàn cầu ổn định. Cuối cùng, giá phân bón cao kỷ lục hiện nay có thể ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ.