Hóa chất Đức Giang (DGC): Triển vọng sáng cho mảng phốt pho, xút-clo-vinyl

Nguồn: VCSC

Triển vọng sáng cho mảng phốt pho, xút-clo-vinyl

 

DGC

 

  • Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA và nâng giá mục tiêu thêm 18% dành cho CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) khi nâng tổng EBITDA cốt lõi giai đoạn 2022-2024 (ngoài bất động sản) lên 19%. Ngoài ra, chúng tôi tăng EV/EBITDA mục tiêu từ 8,5 lần lên 9 lần (áp dụng trên EBITDA cốt lõi dự phóng 2022) để phản ánh giai đoạn tăng trưởng cao tiếp theo của DGC bắt đầu từ năm 2024 (EPS cốt lõi dự phóng 2024 +33% YoY) sau khi dự án xút-clo-vinyl (CAV) Nghi Sơn đi vào hoạt động.
  • Dự báo tổng EBITDA của chúng tôi tăng do chúng tôi đưa vào dự phóng (1) giai đoạn 2 của dự án CAV, (2) công suất axit photphoric nhiệt (TPA) mới và (3) dự báo giá bán trung bình cao hơn cho mảng photphat nông nghiệp (AP). Những yếu tố này được bị ảnh hưởng một phần bởi giá quặng apatit đầu vào cao hơn và giả định điều chỉnh của chúng tôi rằng giai đoạn đầu của dự án CAV sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2023 thay vì đầu năm 2023 như trước đây.
  • Chúng tôi kỳ vọng giá photpho tăng mạnh cuối quý 3/2021 cùng với sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm sẽ thúc đẩy lợi nhuận dự phóng năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi thận trọng dự báo ASP toàn mảng photpho điều chỉnh 18% trong 2023 vì chúng tôi cho rằng (1) Trung Quốc có thể giảm bớt một phần các hạn chế đối với nguồn cung photpho để đáp ứng nhu cầu trong nước đang gia tăng, (2) giá đầu vào có thể hạ nhiệt do chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định lại và (3) giá phân bón cao kỷ lục hiện nay có thể làm giảm nhu cầu.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Giá bán điều chỉnh mạnh hơn dự kiến; những thay đổi về thuế xuất khẩu photpho trong nước hoặc nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh; các sự cố môi trường có thể làm gián đoạn hoạt động; giá điện cao hơn ở Việt Nam (chi phí đầu vào chính); rủi ro thực hiện của dự án CAV sắp tới.

Giá hóa chất photpho công nghiệp (IPC) phù hợp với dự báo của chúng tôi trong khi giá AP cao hơn kỳ vọng. Gần đây, giá photpho vàng (P4) tại Trung Quốc đã điều chỉnh từ 9.200 USD/tấn còn 5.600 USD/tấn (so với mức 2.500 USD/tấn trong 6 tháng đầu năm 2021) do Trung Quốc thúc đẩy sản xuất năng lượng, đặc biệt từ than. Trong khi đó, giá phân bón DAP của Việt Nam đã tăng 33% kể từ quý 3/2021 nhờ (1) nhu cầu mạnh, (2) chi phí đầu vào như quặng apatit, lưu huỳnh và amoniac tăng cao, và (3) các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga - các nguồn nhập khẩu phân bón lớn của Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng giá IPC sẽ duy trì ở trên mức của năm 2020 trong bối cảnh cung cầu thuận lợi. Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo sản lượng lithium iron phosphate (LFP) toàn cầu có thể tăng gấp 5 lần lên 750.000 tấn vào năm 2030 đến từ ngành sản xuất pin xe điện. Theo ước tính của chúng tôi, lượng này chứa 150.000 tấn P4, tương đương với khoảng 13% sản lượng P4 toàn
cầu vào năm 2020. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng các chính sách của Trung Quốc về sản xuất P4 vẫn sẽ theo hướng hạn chế - đặc biệt là trong ngắn hạn - do (1) sản lượng thủy điện hạn chế do mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5 và (2) kiểm soát khí thải trước Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2/2022.

Chúng tôi giả định rằng giai đoạn 2 của dự án CAV sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 và trở thành động lực chính trong trung hạn. DGC dự kiến trở thành nhà sản xuất xút lớn nhất và là nhà sản xuất VCM (đầu vào cho nhựa PVC) đầu tiên tại Việt Nam với công suất đạt 150.000 tấn cho từng sản phẩm. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả 2 sản phẩm trên khi phải nhập khẩu khoảng 850.000 tấn PVC và VCM cũng như 270.000 tấn xút vào năm 2020. Trong khi đó, do Trung Quốc giảm sản xuất PVC từ than đá để giảm lượng khí thải carbon, chúng tôi kỳ vọng giá PVC sẽ vẫn cao hơn mức của giai đoạn 2018-2020 dù đã giảm so với mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây.