Hòa Phát (HPG): Sản lượng tiêu thụ HRC cao kỷ lục nhờ nhu cầu lớn

Nguồn: HSC

Sản lượng tiêu thụ HRC cao kỷ lục nhờ nhu cầu lớn

 

HPG

 

Tóm tắt

Trong tháng 3/2022, HPG đã bán được 296.000 tấn HRC (tăng 25% so với cùng kỳ và 24% so với tháng trước), mức cao kỷ lục kể từ khi Công ty bắt đầu bán HRC ra thị trường vào tháng 12/2020. Lũy kế, sản lượng tiêu thụ HRC trong Q1/2022 tăng 15% so với cùng kỳ đạt 762.600 tấn.

HRC là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôn và ống thép, do đó nhu cầu cao đối với cả hai mặt hàng này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ HRC trong nước.

Ngoài ra, do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraina, nguồn cung HRC nhập khẩu (chủ yếu từ Ấn Độ và Nga) đã sụt giảm đáng kể. Điều này đã hỗ trợ các nhà sản xuất HRC trong nước, như HPG và Formosa.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 65.300đ.

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 3/2022

Ngày 4/4/2022, HPG đã công bố sản lượng tiêu thụ HRC cao kỷ lục trong tháng 3/2022. Cụ thể như sau:

Sản lượng tiêu thụ HRC cao kỷ lục nhờ nhu cầu lớn

Trong tháng 3/2022, HPG đã bán được 296.000 tấn HRC, tăng mạnh 25% so với cùng kỳ và 24% so với tháng trước. Theo Công ty, nhu cầu trong nước tăng mạnh đã thúc đẩy sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 3/2022. Nhờ đó, trong Q1/2022, HPG đã bán thành công 762.600 tấn HRC, tăng 15% so với cùng kỳ.

Công suất HRC tối đa của HPG là khoảng 250.000 tấn/tháng. Sản lượng tiêu thụ cao kỷ lục trong tháng 3/2022 chủ yếu nhờ (1) quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn và (2) khả năng hoạt động vượt công suất thiết kế để đáp ứng nhu cầu HRC tăng cao. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã hỗ trợ hoạt động xây dựng, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ HRC do đây là nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất tôn và ống thép, cả 2 sản phẩm này đều là tư liệu sản xuất rất quan trọng trong việc xây dựng.

Giá HRC (do HPG chào bán) trong tháng 3/2022 giao hàng tháng 5/tháng 6 ở mức 905 USD/tấn, tăng 10% so với tháng trước và tăng 24% sau kỳ nghỉ Tết. HSC dự báo giá HRC sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu trong nước phục hồi và nguồn cung HRC nhập khẩu giảm.

Xung đột giữa Nga và Ukraina khiến nguồn cung nhập khẩu HRC sụt giảm

Việt Nam có thể tự cung cấp 8,5 triệu tấn HRC mỗi năm từ 2 công ty chủ chốt là Formosa và HPG. Phần thiếu hụt 3,5-4 triệu tấn HRC mỗi năm được nhập khẩu từ một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022 đã tác động tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu HRC từ Nga. Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng cũng đã đẩy giá HRC nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, trung tâm sản xuất thép tại Tangshan, Trung Quốc, đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/3/2022. Sản lượng thép tại Tangshan chiếm 13% tổng sản lượng thép sản xuất của Trung Quốc trong năm 2021. Các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép và làm giảm nguồn cung thép ra thế giới.

Với những diễn biến này, chúng tôi cho rằng nhu cầu đối với sản phẩm HRC của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới trước khi chiến tranh kết thúc và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc được nới lỏng.

HPG sẽ không mua vào cổ phiếu quỹ

Thứ sáu tuần trước, HPG đã đưa ra thông báo liên quan đến việc mua lại cổ phiếu quỹ. Theo Công ty, việc mua lại cổ phiếu quỹ có thể vi phạm cam kết với các tổ chức tài chính đang cấp tín dụng cho Tập đoàn. Do đó, chủ trương mua lại cổ phần là không phù hợp trong thời điểm hiện tại. Cụ thể như sau:

  • Theo Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ bằng mệnh giá cổ phiếu được mua lại.
  • Hiện tại, vốn điều lệ của HPG là 44,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn tổng vốn điều lệ của công ty con là 63,1 nghìn tỷ đồng. Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ khiến vốn điều lệ của Tập đoàn giảm và làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu vốn CSH của Tập đoàn.
  • Trong cam kết với các tổ chức tài chính đang cấp tín dụng cho HPG, Công ty cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo cho ngân hàng khi có thay đổi về vốn điều lệ.

Cuối cùng, HPG hiện đang trong giai đoạn mở rộng quy mô với vốn đầu tư cơ bản rất lớn để mở rộng công suất tại Tổ hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo năm 2022 với doanh thu thuần đạt 164.773 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và lợi nhuận thuần là 31.815 tỷ đồng (giảm 7,7%).

HPG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 6,8 lần so với mức bình quân trong quá khứ là 8,3 lần. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG với giá mục tiêu không đổi là 65.300đ (tiềm năng tăng giá là 43%).