Hòa Phát (HPG): Sản lượng tiêu thụ HRC và thép xây dựng cao kỷ lục

Nguồn: HSC

Sản lượng tiêu thụ HRC và thép xây dựng cao kỷ lục

 

HPG

 

Tóm tắt

HPG công bố sản lượng tiêu thụ thép xây dựng vượt kỳ vọng trong tháng 3/2022 đạt 511.000 tấn (tăng 7%), đưa sản lượng tiêu thụ Q1/2022 đạt 1,34 tấn (tăng 57%) nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ.

Sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 3/2022 đạt mức kỷ lục 296.000 tấn (tăng 25%), đưa sản lượng tiêu thụ trong Q1/2022 đạt 762.695 tấn (tăng 15%). Sản lượng tiêu thụ tôn và ống thép trong Q1/2022 tăng lần lượt 44% và 13%.

Với sản lượng tiêu thụ mạnh mẽ trong Q1/2022, HSC dự báo LNST đạt lần lượt 8.507 tỷ đồng (tăng trưởng 21,9%) và 42.540 tỷ đồng (tăng trưởng 36,4%). HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 65.300đ (tiềm năng tăng giá 42%).

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 3/2022 và Q1/2022

Ngày 6/4/2022, HPG công bố sản lượng tiêu thụ tháng 3/2022 đối với các sản phẩm thép. Theo đó, HPG tiêu thụ tổng cộng 946.000 tấn sản phẩm thép (giảm 7% so với cùng kỳ nhưng tăng 16,2% so với tháng trước). Sản lượng tiêu thụ phôi thép giảm mạnh, do hạn chế về công suất, là nguyên nhân khiến tổng sản lượng tiêu thụ sụt giảm.

Ngoài phôi thép, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép khác từ thép xây dựng tới HRC đều tăng mạnh trong tháng 3/2022 và Q1/2022. Nhờ sản lượng tiêu thụ cao trong tháng 3/2022, HPG tiêu thụ tổng cộng 2,48 triệu tấn thép trong Q1/2022 (tăng 14,8% so với cùng kỳ).

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cao kỷ lục trong tháng 3/2022

HPG tiêu thụ 511.000 tấn thép xây dựng (tăng 6,7% so với cùng kỳ và 14,3% so với tháng trước) nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cao. Các động lực tăng trưởng chính đối với thị trường trong nước bao gồm:

  • Các dự án xây dựng nhà ở bắt đầu khởi công sau kỳ nghỉ Tết.
  • Nhu cầu thép tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
  • Ngoài ra, do HPG nâng giá bán thép xây dựng 3 lần, tổng cộng 9,1%, các đại lý theo đó đã đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho.

Nhờ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh trong tháng 3/2022, sản lượng tiêu thụ Q1/2022 đạt 1,34 triệu tấn (tăng 56,7% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, HPG tiêu thụ 25.000 tấn phôi thép trong tháng 3/2022, giảm 86% so với cùng kỳ do HPG tập trung vào sản phẩm thép xây dựng với tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong giai đoạn hạn chế công suất. Trong Q1/2022, HPG tiêu thụ 69.259 tấn phôi thép (giảm 82,1% so với cùng kỳ), chủ yếu được tiêu thụ trong nước.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và phôi thép trong tháng 3/2022 là 536.000 tấn (giảm 18,5% so với cùng kỳ) và đạt 1,4 triệu tấn (tăng 13,5% so với cùng kỳ) trong Q1/2022.

Lưu ý, công suất thiết kế của HPG đối với thép dài chỉ khoảng 450.000-460.000 tấn/tháng. Với mức sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi tháng đạt 469.738 tấn trong Q1/2022 (cả thép xây dựng và phôi thép), HPG đã hoạt động vượt công suất thiết kế từ 3-5% mỗi tháng.

Sản lượng tiêu thụ HRC cao kỷ lục trong tháng 3/2022

Trong tháng 3/2022, HPG tiêu thụ 296.000 tấn HRC, tăng 24,5% so với cùng kỳ và 24,1% so với tháng trước. Theo Công ty, nhu cầu trong nước tăng mạnh đã thúc đẩy sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 3/2022. Nhờ đó, trong Q1/2022, HPG đã tiêu thụ 762.695 tấn HRC, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Lưu ý, công suất HRC tối đa của HPG là khoảng 250.000 tấn/tháng. Sản lượng tiêu thụ cao kỷ lục trong tháng 3/2022 chủ yếu được hỗ trợ nhờ (1) quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn và (2) khả năng hoạt động vượt công suất thiết kể của HRC để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã hỗ trợ hoạt động xây dựng, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ HRC do đây là nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất tôn và ống thép, cả 2 sản phẩm này đều là tư liệu sản xuất rất quan trọng trong việc xây dựng.

Giá HRC (do HPG chào bán) trong tháng 3/2022 giao hàng tháng 5/tháng 6 ở mức 905 USD/tấn, tăng 10% so với tháng trước và tăng 24% sau kỳ nghỉ Tết. HSC dự báo giá HRC sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu trong nước phục hồi và nguồn cung HRC nhập khẩu giảm.

Tôn thép hồi phục mạnh sau kỳ nghỉ Tết

HPG đã tiêu thụ 36.000 tấn tôn mạ trong tháng 3/2022 (tăng 14,6% so với cùng kỳ và 31,6% so với tháng trước) nhờ nhu cầu cả trong nước và xuất khẩu hồi phục, trong bối cảnh giá HRC trên toàn cầu tăng mạnh. Do đó, HPG tiêu thụ tổng cộng 105.988 tấn tôn thép trong Q1/2022, tăng 43,7% so với cùng kỳ.

HPG tiêu thụ thêm 78.000 tấn ống thép trong tháng 3/2022 (giảm 14,1% so với cùng kỳ và đi ngang so với tháng trước). Lưu ý, sản lượng tiêu thụ ống thép trong tháng 3/2022 đạt 90.793 tỷ đồng. Do mức nền cao, sản lượng tiêu thụ ống thép giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao do sản lượng tiêu thụ ống thép đã chịu tác động tiêu cực kể từ tháng 5/2021, đặc biệt là trong giai đoạn phong tỏa, do 95% sản lượng ống thép được tiêu thụ trong nước. Trong cả Q1/2022, sản lượng tiêu thụ ống thép ở mức cao, cho thấy sự hồi phục tốt đạt 207.007 tấn (tăng 12,5% so với cùng kỳ).

Đánh giá KQKD Q1/2022

Nhờ sản lượng tiêu thụ cao trong Q1/2022, HSC dự báo doanh thu thuần sẽ tăng 36,4% so với cùng kỳ đạt 42.540 tỷ đồng, và lợi nhuận thuần tăng 21,9% so với cùng kỳ đạt 8.507 tỷ đồng. Lưu ý, trong Q1/2021, HPG ghi nhận khoản thu nhập bất thường 500 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn; nếu không bao gồm khoản thu nhập này, lợi nhuận cốt lõi của Công ty sẽ tăng 31% so với cùng kỳ.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo doanh thu thuần đạt 164.773 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và lợi nhuận thuần là 31.815 tỷ đồng (giảm 7,7%).

HPG hiện đang giao dịch với P/E dự phóng là 6,8 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 8,3 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu không đổi là 65.300đ (tiềm năng tăng giá 42%).