Hòa Phát (HPG): Sản lượng tiêu thụ thấp - Giá cao khiến nhu cầu sụt giảm

Nguồn: HSC

Sản lượng tiêu thụ thấp: Giá cao khiến nhu cầu sụt giảm

 

HPG

 

Tóm tắt

Sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 của HPG thấp do (1) nhu cầu trong nước thấp vì giá thép cao, (2) lượng hàng tồn kho cao do các đại lý đẩy mạnh tích trữ trong tháng 3/2022 và (3) kỳ vọng giá thép sẽ giảm theo xu hướng giá nguyên liệu đầu vào gần đây.

Từ đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 4/2022 giảm mạnh 30,5% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ phôi thép cũng giảm 65% so với cùng kỳ (mặc dù tăng 70% so với tháng trước). Sản lượng tiêu thụ ống thép, chủ yếu tiêu thụ trong nước, giảm 50% so với cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ HRC và tôn tăng lần lượt 21% và 62%. HSC duy trì khuyến nghị HPG Mua vào nhờ định giá rẻ.

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022

HPG công bố sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 thấp với sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm 31% so với cùng kỳ, sản lượng tiêu thụ phôi thép giảm 65% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ ống thép giảm 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn vẫn tăng trưởng dương lần lượt 21% và 62% so với cùng kỳ.

Giá thép xây dựng cao khiến nhu cầu sụt giảm

HPG công bố sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của tháng 4/2022 giảm mạnh 31% so với cùng kỳ và 42% so với tháng trước xuống 298.000 tấn, một số nguyên nhân như sau:

  • Giá thép xây dựng cao tác động tiêu cực đến nhu cầu thực đối với các sản phẩm thép xây dựng trong nước.
  • Trong tháng 3/2022, do lo ngại giá thép tiếp tục tăng nên các đại lý đã đẩy mạnh tích trữ một lượng lớn hàng tồn kho. Do đó, các đại lý cần phải thanh lý hàng tồn kho trước khi tích trữ trở lại.
  • Các đơn đặt hàng mới cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do các đại lý chờ đợi giá thép điều chỉnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đã giảm kể từ tháng 4/2022.

Do đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước là 205.000 tấn (giảm 43% so với cùng kỳ). Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt 93.000 tấn (tăng 28% so với cùng kỳ).

Sản lượng tiêu thụ phôi thép là 42.600 tấn (giảm 65% so với cùng kỳ nhưng tăng 70% so với tháng trước). Theo HSC, sản lượng tiêu thụ phôi thép cải thiện so với tháng trước nhờ hoạt động xuất khẩu được khôi phục trong tháng 4/2022. Tuy nhiên, những nguyên nhân chính khiến sản lượng tiêu thụ phôi thép giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc và HPG tập trung vào sản xuất thép thành phẩm.

Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 triệu tấn (tăng 28% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng tiêu thụ phôi thép 4 tháng đầu năm 2022 giảm 78% so với cùng kỳ xuống 111.859 tấn.

Sản lượng tiêu thụ HRC là điểm sáng

Trong tháng 4/2022, sản lượng tiêu thụ HRC đạt 256.000 tấn (tăng 20,5% so với cùng kỳ). Mặc dù giảm 13,5% so với mức kỷ lục trong tháng 3/2022, nhưng theo chúng tôi mức sản lượng tiêu thụ này vẫn là rất cao. Trong 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ HRC đạt hơn 1 triệu tấn (tăng 16,1% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ HRC tăng mạnh nhờ (1) nhu cầu tôn (HRC là nguyên liệu đầu vào chính) nội bộ và bên ngoài tăng mạnh và (2) giá HRC chạm đáy sau kỳ nghỉ Tết. Lưu ý, các sản phẩm HRC được bán thông qua hợp đồng kỳ hạn 2 tháng. Do đó, giá HRC chạm đáy vào tháng 1/2022 sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ từ tháng 3/2022 trở đi.

Sản lượng tiêu thụ tôn trong tháng 4/2022 đạt 31.000 tấn (tăng 62% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Theo đó, sản lượng tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 136.988 tấn (tăng 47,5% so với cùng kỳ). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ ống thép giảm mạnh 49,6% so với cùng kỳ xuống 44.000 tấn do nhu cầu trong nước yếu. Lũy kế, sản lượng tiêu thụ ống thép trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ 7,5% so với cùng kỳ xuống 251.007 tấn.

Giá thép đang chịu áp lực

Sáng ngày 11/5/2022, HPG đã thông báo giảm giá bán đối với các sản phẩm thép xây dựng như sau:

  • Sản phẩm thép thanh giảm 300đ/kg xuống 18.340đ/kg, tương đương giảm 1,6%.
  • Sản phẩm thép cuộn giảm 450đ/kg xuống 18.250đ/kg, tương đương giảm 2,4%.

Điều này phản ánh (1) nhu cầu trong nước thấp do giá các sản phẩm thép cao và (2) giá nguyên liệu đầu vào (như quặng sắt, than cốc và thép phế liệu) giảm gần đây.

Giá nguyên liệu đầu vào giảm có thể do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc kể từ cuối tháng 3/2022. Các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng tiêu cực đến cung và cầu các sản phẩm thép của Trung Quốc và làm giảm nhu cầu nguyên liệu đầu vào, từ đó khiến giá đầu vào giảm.

Quặng sắt đang giao dịch ở mức 134 USD/tấn đối với loại quặng 62% Fe (giảm 10% kể từ mức đỉnh trong tháng 4) trong khi giá than cốc giảm mạnh xuống 505 USD/tấn (giảm 23,5% so với mức đỉnh trong tháng 3). Thép phế liệu hiện giao dịch ở mức 529 USD/tấn (giảm 24,4% so với mức đỉnh trong tháng 3). Quặng sắt và than cốc chiếm 60% tổng chi phí sản xuất thép. Do đó, việc giá nguyên liệu đầu vào giảm gần đây sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong những tháng tới. Tuy nhiên, trong Q2/2022, giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao do mua theo hợp đồng 2 tháng trước sẽ tác động tiêu cực tới mảng thép xây dựng.

Giá bán HRC của HPG cho các lô hàng giao tháng 6/tháng 7 hiện là 925 USD/tấn, tăng 26,7% kể từ mức thấp cho các lô hàng giao tháng 3/tháng 4 là 730 USD/tấn. Giá HRC phục hồi gần đây sẽ hỗ trợ đáng kể cho tỷ suất lợi nhuận mảng HRC trong Q2/2022.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu đang được chúng tôi xem xét

Sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong Q2/2022 do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tỷ suất lợi nhuận mảng HRC tăng, do giá HRC tăng, sẽ bù đắp một phần cho tỷ suất lợi nhuận mảng thép xây dựng sụt giảm, do chi phí nguyên liệu đầu vào cao.

HSC đang xem xét lại dự báo lợi nhuận năm 2022 do sản lượng tiêu thụ thấp trong tháng 4/2022. Chúng tôi hiện dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2022 đạt lần lượt 165 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và 31,8 nghìn tỷ đồng (giảm 7,8%). HPG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 6 lần; một mức định giá rất rẻ. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào nhưng chúng tôi đang xem xét lại giá mục tiêu để phản ánh việc điều chỉnh dự báo lợi nhuận.