Hòa Phát (HPG): Tháng 2/2022 nhu cầu thép xây dựng cao

Nguồn: HSC

Tháng 2/2022: Nhu cầu thép xây dựng cao

 

HPG

 

Tóm tắt

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 2/2022 ấn tượng đạt 450.000 tấn (tăng 137% so với cùng kỳ và 18% so với tháng trước), nhờ nhu cầu trong nước cao.

HPG sẽ hưởng lợi từ xung đột giữa Nga và Ukraina trong ngắn hạn đồng thời hưởng lợi từ chương trình đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Theo HPG, Công ty đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu thép xây dựng cho tới cuối tháng 5/2022 với sản lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 dự kiến đạt 720.000 tấn.

HPG đặt kế hoạch tiêu thụ 4,7 triệu tấn thép xây dựng trong năm 2022, tăng trưởng 20%. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 65.300đ (tiềm năng tăng giá là 30%).

Sự kiện: Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 2/2022

HPG vừa công bố sản lượng tiêu thụ tháng 2/2022 ấn tượng với sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 450.000 tấn (tăng 137% so với cùng kỳ và 18% so với tháng trước) trong tháng 2/2022 nhờ nhu cầu cao từ thị trường trong nước.

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh 121% so với cùng kỳ đạt 828.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 174.000 tấn (tăng 159% so với cùng kỳ).

Nhu cầu trong nước là động lực tăng trưởng chính

Sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 145% so với cùng kỳ đạt 390.000 tấn và đóng góp 87% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 2/2022. Trong đó:

  • Sản lượng tiêu thụ miền Bắc trong tháng 2/2022 tăng gấp 3 so với cùng kỳ đạt 250.000 tấn và đóng góp 64% sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
  • Sản lượng tiêu thụ tại miền Trung và miền Nam cũng tăng mạnh lần lượt 150% và 50% so với cùng kỳ.

Các động lực tăng trưởng chính tại thị trường trong nước bao gồm:

  • Nhiều dự án dân cư mới khởi công xây dựng sau kỳ nghỉ Tết.
  • Nhu cầu thép phục vụ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tăng, như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và nhiều dự án sân bay.

Trong tháng 2/2022, HPG đã tăng giá bán thép xây dựng qua 2 đợt tổng cộng 600đ/kg (tương đương tăng 3,6%). Các đại lý theo đó cũng đã tăng lượng hàng tồn kho tích trữ.

Tổng cộng, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 658.000 tấn (tăng 113% so với cùng kỳ), đóng góp 79% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng.

Sản lượng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt

Sản lượng xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 60.000 tấn trong tháng 2/2022. Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu đạt 174.000 tấn (tăng 159% so với cùng kỳ). Sản lượng xuất khẩu đóng góp 13% tổng sản lượng tiêu thụ trong tháng 2/2022 và 21% tổng sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm 2022.

Theo HPG, Công ty đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu thép xây dựng cho tới cuối tháng 5/2022 với sản lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 dự kiến đạt 720.000 tấn. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Singapore, Hong Kong, Nhật, Hàn Quốc và Cambodia.

Kế hoạch tăng trưởng thép xây dựng tăng trưởng 20%

HPG đặt kế hoạch tiêu thụ 4,7 triệu tấn thép xây dựng trong năm 2022, tương đương tăng trưởng 20%.

Kế hoạch này cao hơn so với dự báo của chúng tôi. HSC hiện dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG đạt 4,5 triệu tấn (tăng trưởng 16%) trong năm 2022.

Xung đột Nga Ukraina thúc đẩy giá thép

Lưu ý, Nga đứng thứ năm thế giới về sản xuất thép và đóng góp 4% vào tổng sản lượng thép trên thế giới theo Hiệp hội Thép Thế giới. Trong năm 2021, tổng sản lượng của Nga đạt 76 triệu tấn thép thô (tăng trưởng 6,1%).

Ukraine đứng thứ 14 trên thế giới về sản lượng thép với 21 triệu tấn (tăng trưởng 3,9%) trong năm 2021, chiếm 1% sản lượng thép thế giới, theo Hiệp hội Thép Thế giới.

Tổng sản lượng Nga và Ukraine đạt 97 triệu tấn thép thô trong năm 2021, chiếm hơn 5% sản lượng sản xuất trên toàn cầu.

Ngoài ra, Nga và Ukraina là nhà xuất khẩu thép thứ 2 và thứ 4 sang châu Âu trong năm 2021, chiếm hơn 21% tổng sản lượng nhập khẩu của châu Âu.

Cuộc chiến giữa Nga-Ukraine đã khiến nguồn cung thép trên toàn cầu thiếu hụt trong ngắn hạn. Trong đó, việc châu Âu áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ khiến nguồn cung thép tại châu Âu thiếu hụt nghiêm trọng.

Sự kiện này sẽ gây áp lực lên nguồn cung thép toàn cầu; do đó, giá thép có thể tăng đối với tất cả các loại sản phẩm thép từ thép dài đến thép dẹt.

Doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam, trong đó có HPG, sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này do châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 65.300đ

HSC duy trì dự báo năm 2022 với doanh thu thuần đạt 164.773 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và lợi nhuận thuần là 31.815 tỷ đồng (giảm 7,7%).

Chúng tôi cho rằng HPG sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina trong ngắn hạn đồng thời hưởng lợi từ chương trình đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

HPG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 7,4 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 8,3 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG và giữ nguyên giá mục tiêu là 65.300đ (tiềm năng tăng giá 30%).