Hòa Phát (HPG): Thép xây dựng là đầu tàu sản lượng tiêu thụ trong tháng 1/2022

Nguồn: HSC

Thép xây dựng là đầu tàu sản lượng tiêu thụ trong tháng 1/2022

 

HPG

 

Tóm tắt

Sản lượng tiêu thụ sản phẩm thượng nguồn (gồm thép xây dựng, phôi và HRC) trong tháng 1/2022 tăng tốt, tăng 10% đạt 632.000 tấn với sản lượng thép xây dựng tăng gấp đôi.

Sản lượng phôi thép giảm mạnh 84% vì HPG chủ động tập trung vào sản phẩm có biên cao. Sản lượng HRC giảm 9,7% so với cùng kỳ nhưng tăng 4,9% so với tháng trước.

Trong những tháng tới, có thể dự đoán nhu cầu HRC và thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng vì giá thế giới tăng trở lại, cộng với sự đẩy nhanh đầu tư công ở thị trường nội địa.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào nhưng đang xem xét lại dự báo và giá mục tiêu.

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 1/2022

Sáng nay, HPG đã công bố sản lượng tiêu thụ đạt cao mặc dù Tết nguyên đán rơi vào cuối tháng 1/2022. Theo đó, HPG tiêu thụ được tổng cộng 725.100 tấn sản phẩm thép (tăng 13,6% so với cùng kỳ) (Bảng 1). Thông tin cụ thể như sau:

Sản lượng sản phẩm thượng nguồn tăng nhờ thép xây dựng

Thép xây dựng: Trong tháng 1/2022, HPG tiêu thụ được 382.000 thép xây dựng (tăng 105% so với cùng kỳ).

  • Sản lượng nội địa đạt 266.000 tấn (tăng 78,3% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng tiêu thụ tại khu vực miền Nam và miền Trung lần lượt tăng gấp đôi và gấp ba so với cùng kỳ lên 64.118 và 42.879 tấn.
  • Ngoài ra, kể từ ngày 29/12/2021, HPG đã nâng giá bán thép xây dựng thêm 400đ/kg (tương đương tăng 2,5%) sau 4 lần tăng. Và vì vậy, các đại lý đã đẩy mạnh tích trữ hàng.
  • Sản lượng xuất khẩu cũng tăng gấp ba lên 116.000 tấn nhờ nhu cầu cao từ Singapore, Hồng Kông, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Campuchia. Hiện HPG đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu thép xây dựng đến tháng 4/2022.

Phôi thép: sản lượng tiêu thụ giảm mạnh xuống chỉ còn 22.000 tấn trong tháng 1/2022 (giảm 836,6% so với cùng kỳ) vì HPG chủ động giảm sản lượng phôi thép tiêu thụ để tập trung vào sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn như thép thanh, thép cuộn và thép dự ứng lực.

Tổng công suất thép dài của HPG là khoảng 490.000 tấn/tháng. Trong tháng 1/2022, HPG đã sản xuất 460.000 tấn, nghĩa là đạt 94% công suất thiết kế. HPG đã tích trữ hàng tồn kho để chuẩn bị phục vụ nhu cầu sau Tết nguyên đán.

HRC: Ngoài nhu cầu nội bộ để sản xuất tôn mạ và ống thép, các hợp đồng bán HRC ra bên ngoài thường là hợp đồng kỳ hạn (ký trước 2 tháng). Do vậy, sản lượng HRC tháng 1/2022 vẫn ổn định so với tháng trước ở mức 228.000 tấn (giảm 9,7% so với cùng kỳ nhưng tăng 4,9% so với tháng trước).

Trong thời gian tới, nhu cầu HRC dự kiến sẽ tăng mạnh, thể hiện qua việc giá HRC thế giới bật tăng trở lại. Theo HPG, đơn hàng tiềm năng được đặt lên đến ít nhất 300.000 tấn/tháng nhưng công suất của HPG chỉ có thể đáp ứng tối đa được khoảng 250.000 tấn.

Gần đây, HPG cũng đã nhận được các đơn đặt hàng HRC từ Mỹ, Canada, Mexico, Italia, Đức, Hàn Quốc và Indonesia. Vào đầu tháng 2/2022, HPG đã ký lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Italia với khối lượng 35.000 tấn HRC và thời gian giao hàng là 15-20 tháng 2/2022. Tuy nhiên, HPG vẫn tập trung vào thị trường nội địa do hạn chế công suất.

Tóm lại, ở sản phẩm thượng nguồn, trong tháng 1/2022, HPG tiêu thụ được 632.000 tấn sản phẩm thép (gồm thép xây dựng, phôi thép và HRC), tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Tôn mạ và ống thép cũng tăng mạnh so với cùng kỳ

Sản lượng ống thép và tôn mạ trong kỳ lần lượt tăng 26,3% và 68% so với cùng kỳ lên 50.500 tấn và 42.600 tấn.

Ở các sản phẩm cuối, HPG hiện đã công bố sản lượng tiêu thụ thép thanh dự ứng lực (nằm trong thép xây dựng). Theo đó, trong tháng 1/2022, HPG đã tiêu thụ được 14.600 tấn thép thanh dự ứng lực.

Tổng sản lượng sản phẩm cuối đạt 475.100 tấn (tăng 88,7% so với cùng kỳ) (gồm thép cuộn, thép thanh, thép thanh dự ứng lực, tôn mạ và ống thép).

Giá thép tăng sau Tết nguyên đán

Như đề cập trên đây, HPG đã nâng giá bán bình quân thép thanh/thép cuộn 4 lần kể từ ngày 29/12/2021 đến 21/1/2022 với tổng mức tăng là 400đ/kg, tương đương tăng 2,5%.

Sau Tết nguyên đán, giá thép xây dựng ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa vẫn rất cao, đạt khoảng 20.000 tấn/ngày. Với đơn hàng xuất khẩu thép xây dựng đã ký đủ đến tháng 4/2022 cộng với nhu cầu nội địa lớn, HSC cho rằng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 2/2022 sẽ tiếp tục tăng.

Giá HRC của HPG hiện chỉ ở mức 760-730 USD/tấn cho đơn hàng giao tháng 3, tháng 4/2022. Tuy nhiên sau Tết nguyên đán, giá HRC nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng mạnh lên 850 USD/tấn, hoặc thậm chí cao hơn. Vì vậy, HSC kỳ vọng giá HRC của HPG về lâu dài sẽ tăng.

Về giá ống thép, HPG hôm nay đã thông báo nâng giá bán thêm 400đ/kg. Trong khi đó giá bán sản phẩm tôn mạ sẽ tăng 300đ/kg từ ngày 15/2/2022.

Duy trì khuyến nghị Mua vào; đang xem xét lại giá mục tiêu và dự báo

HSC đang xem xét lại dự báo cho năm 2022-2023 để phản ánh diễn biến mới nhất của giá thép và nhu cầu sản phẩm thép.

Hiện chúng tôi dự báo doanh thu thuần năm 2022 đạt 157 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 4,7%) và lợi nhuận thuần đạt 33 nghìn tỷ đồng (giảm 3,8%). HPG có P/E dự phóng năm 2022 là 6,7 lần; thấp hơn bình quân P/E trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ là 8,5 lần.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG vì đây là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi chính từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công. Định giá vẫn rẻ và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn tích cực.