Nguồn: HSC
Việc gia nhập vào ngành nghề sản xuất mới đang được nghiên cứu
Tóm tắt
Báo chí đưa tin HPG đang đề xuất kế hoạch để tiến hành đầu tư dự án Nhôm từ quặng Bô-xít tại tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, HPG có kế hoạch tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nhôm, từ tuyển quặng bô-xít, đến sản xuất nhôm oxit và tạo ra sản phẩm cuối cùng là nhôm thỏi. Công ty cũng đề cập kế hoạch xây dựng một nhà máy điện gió ở Đắk Nông để cung cấp điện cho dự án này. Tổng vốn đầu tư được đề xuất vào khoảng 4,3 tỷ USD.
Hiện tại, HPG đang nghiên cứu tính khả thi của việc gia nhập ngành này. HSC sẽ cập nhật khi có thêm thông tin. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 65.300đ (tiềm năng tăng giá là 41%).
Sự kiến: Đề xuất kế hoạch đầu tư mới
Ngày 12/4/2022, báo chí đưa tin HPG đang đề xuất trở thành NĐT một dự án sản xuất nhôm tại tỉnh Đắk Nông với kế hoạch tham gia toàn bộ chuỗi giá trị, từ khai thác quặng bô-xít, đến sản xuất nhôm oxit, và sản phẩm cuối cùng là nhôm thỏi. Cụ thể như sau:
Khai thác bô-xít tại Việt Nam
Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia có trữ lượng quặng bô-xít lớn nhất thế giới, và tỉnh Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô-xít cao nhất Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có trữ lượng 7 tỷ tấn quặng bô-xít, tương đương 3,2 tỷ tấn quặng tinh. Trong đó, Tây Nguyên và Bình Phước có trữ lượng 5,4 tỷ tấn quặng bô-xít, tương đương 2,3 tỷ quặng tinh, riêng tỉnh Đắk Nông chiếm hơn 60% trữ lượng quặng bô-xít.
Hiện tại, Vinacomin (Tập Đoàn Công Nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam) là doanh nghiệp lớn nhất tham gia vào ngành này, với nhà máy được tiến hành xây dựng vào năm 2008. Tính đến nay, Vinacomin có công suất 700.000 tấn nhôm oxit/năm.
Giai đoạn đầu mở rộng sang ngành công nghiệp nhôm
Sau khi trao đổi với Công ty, chúng tôi được biết HPG đang nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu khả thi về ngành nhôm. HPG mới đây đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để xin chấp thuận trở thành NĐT cho dự án mới.
HPG hiện đề xuất xây dựng một chuỗi giá trị đầy đủ cho hoạt động kinh doanh mới, với vốn đầu tư ước tính là 4,3 tỷ USD.
Chuỗi giá trị bao gồm:
Bên cạnh đó, HPG cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện gió với công suất 1.500MW/năm để phục vụ quá trình luyện nhôm.
Quá trình sản xuất nhôm được thực hiện trong 2 giai đoạn: quy trình Bayer tinh chế quặng bô-xít để thu được nhôm ôxít và quy trình Hall-Heroult nấu chảy nhôm ôxít để sản xuất nhôm thỏi tinh khiết.
Các thỏi nhôm này được gửi đến các nhà chế biến khác hoặc được làm phẳng thành các tấm mỏng, sau đó được sử dụng để làm vỏ hộp mới. Các thỏi nhôm có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm ô tô, thiết bị gia dụng, xây dựng, hàng cơ khí và hàng gia dụng.
Với nhiều ứng dụng đa dạng và sự phụ thuộc vào nhôm nhập khẩu tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá thị trường mục tiêu của HPG là có tiềm năng. Nhu cầu tiêu thụ nhôm trong nước vào khoảng 1 triệu tấn/năm.
Thông thường, phải mất ít nhất 1-2 năm kể từ khi nghiên cứu và để nhận được giấy phép đầu tư cho dự án mới. Do đó, chúng tôi cho rằng đây sẽ là kế hoạch mở rộng trong dài hạn của HPG. Công ty đang trong giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu để ra mắt mảng kinh doanh mới này và chúng tôi cho rằng điều này sẽ chưa thể xảy ra trong ngắn hạn.
Ngoài ra, do đây là một mảng kinh doanh mới với nhu cầu vốn đầu tư lớn và chịu sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ đối với việc khai thác quặng vẫn đảm bảo được các quy định về môi trường, chúng tôi đang tìm kiếm thêm thông tin trước khi đưa ra đánh giá hoặc phân tích sâu hơn về khả năng sinh lời của dự án này.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
HSC duy trì dự báo năm 2022 với doanh thu thuần đạt 164.773 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và lợi nhuận thuần là 31.815 tỷ đồng (giảm 7,7%).
HPG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 6,7 lần so với mức bình quân trong quá khứ là 8,3 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG với giá mục tiêu được giữ nguyên là 65.300đ (tiềm năng tăng giá là 41%).