Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD): Tác động ngắn hạn từ việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu

Nguồn: SSI

Tác động ngắn hạn từ việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu

 

PVD

 

PVD gần đây đã tổ chức cuộc họp công bố KQKD quý 3/2022 và đưa ra triển vọng của ngành trong năm 2023. Điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam đã có những thay đổi lớn, với lãi suất cao hơn và rủi ro kinh tế đáng kể. Với những thay đổi trong dự báo và lãi suất chiết khấu, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 18.200 đồng/cổ phiếu (từ 23.800 đồng/cổ phiếu), phản ánh lợi nhuận điều chỉnh trong năm 2022 và 2023 và lãi suất chiết khấu cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì đánh giá TRUNG LẬP đối với cổ phiếu PVD.

KQKD quý 3/2022

Quý 3/2022, PVD đạt doanh thu thuần 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ) và lỗ ròng 52 tỷ đồng so với 56 tỷ đồng LNST trong quý 3/2021, mặc dù mức lỗ thấp hơn so với các quý trước.

So với quý 3 năm 2021, triển vọng kinh doanh năm nay sáng sủa hơn với doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ khoan dầu tăng 84% so với cùng kỳ do hiệu suất sử dụng giàn khoan Jackup (JU) tăng lên 94% (từ 88% vào quý 3 năm 2021), và giá thuê trung bình theo ngày tăng lên 59 nghìn USD/ngày (tăng 15% so với cùng kỳ). Giàn khoan PVD V cho Shell Brunei, bắt đầu triển khai trong năm nay, cũng mang lại triển vọng lạc quan. Trong quý này, công ty đã cung cấp dịch vụ khoan cho Premier Indonesia, Repsol - BRB, Shell Brunei, Premier Oil Vietnam và GBRS. Lợi nhuận gộp từ mảng khoan chuyển biến khả quan sau hai quý thua lỗ, đạt 24 tỷ đồng - nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi biên độ thấp của các quý trước.

Mảng kinh doanh thứ 2, dịch vụ giếng khoan, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp giảm 24% so với cùng kỳ do thiếu các chiến dịch khoan tại thị trường Việt Nam, một trong những thị trường quan trọng của PVD trong mảng dịch vụ giếng khoan.

Đây cũng là lý do khiến thu nhập từ các liên doanh (ví dụ như PVD - Baker Hughes) thấp, chỉ thu về 11 tỷ đồng (giảm 73% so với cùng kỳ) do công ty này chỉ hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Về các mảng hoạt động khác, chi phí tài chính tăng do lãi suất LIBOR cao hơn và VND giảm giá. Cụ thể, PVD có khoảng 160 triệu USD nợ dài hạn.

Trong quý, VND giảm giá 2,5% so với USD, cao hơn mức giảm giá trong quý 2/2022 là 1,9%. Điều này khiến lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá đạt mức 27 tỷ đồng. PVD cũng ghi nhận mức chi phí lãi vay cao hơn một chút là 44 tỷ đồng, so với 27 tỷ đồng trong năm ngoái, do lãi suất LIBOR ba tháng tăng lên 3,75% vào quý 3/2022 (so với 0,13% tại quý 3/2021). Trong quý, PVD đã thành công kí kết các hợp đồng khoan cho năm 2023, với hầu hết các giàn khoan được ký hợp đồng đến cuối năm.

KQKD 9 tháng đầu năm 2022

Trong ba quý đầu năm, PVD đã cho thấy sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tổng doanh thu tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp tăng 32% so với cùng kỳ, phù hợp với ước tính của chúng tôi cho năm 2022. Giá thuê trung bình theo ngày của dàn khoan JU trong 9 tháng đầu năm 2022 là 58 nghìn USD/ngày, tiệm cận với giả định cả năm của chúng tôi là 60 nghìn USD/ngày. Tuy nhiên, do lãi suất cao hơn và lỗ chênh lệch tỷ giá, cùng với kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng từ các liên doanh (do thị trường trong nước yếu), PVD ghi nhận khoản lỗ trước thuế 168 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, và lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 150 tỷ đồng. Lưu ý trong 9 tháng đầu năm 2021, PVD ghi nhận LNTT đạt 8 tỷ đồng.

Cập nhật diễn biến ngành

Từ báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi, ngành khoan trong khu vực đã có những tiến triển tích cực. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông. Tại Đông Nam Á, tổng công suất sử dụng trên thị trường đối với các giàn khoan JU đạt 90% vào tháng 8 năm 2022, trong khi giá thuê ngày ổn định ở mức khoảng 90 nghìn USD/ngày trong ba tháng qua, đặc biệt một số hợp đồng có mức giá trên 100 nghìn USD/ngày, theo IHS Markit . Lần đầu tiên kể từ năm 2015, những diễn biến tích cực đã quay trở lại với thị trường.

Ngoài ra, thời hạn của các hợp đồng có xu hướng được kéo dài hơn, giống với những gì đã quan sát thấy trong các chu kỳ đi lên trước đây.

Theo quan điểm của chúng tôi, một trong những lý do chính dẫn đến những chuyển biến tích cực trong ngành khoan đến từ sự thay đổi gần đây trong triển vọng về năng lượng toàn cầu. Trong những năm trước, giá dầu ở mức thấp và quan điểm chung là quá trình khử cacbon sẽ dần hướng thị trường tới các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydro, v.v.). Cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây ở châu Âu do xung đột Nga-Ukraine gây ra đã tạo ra sự quan tâm nhiều hơn đến an ninh năng lượng. Cụ thể, tại báo cáo triển vọng dầu mỏ của OPEC vừa qua, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 10 triệu thùng/ngày lên 107 triệu thùng/ngày vào năm 2027, với phần lớn tăng trưởng đến từ các khu vực ngoài OECD. Đây là lý do tại sao chúng tôi nhận thấy nhu cầu lớn đối với các giàn khoan tự nâng ở Trung Đông, khi các công ty lớn như Saudi Aramco và ADNOC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất. Saudi Aramco dự kiến sẽ tăng gấp đôi số giàn khoan JU vào năm 2024.

Chúng tôi lưu ý rằng tổng số lượng nguồn cung mới sẽ ở mức thấp, do chỉ có 25 giàn khoan tự nâng đóng mới theo đơn đặt hàng trong tổng số 489 giàn khoan. Số lượng giàn khoan tự nâng cũ (trên 30 năm) cũng tương đối nhiều với 164 giàn.

Theo IHS Markit, nguồn cung hạn chế cùng với nhu cầu tăng cao dẫn đến việc các hợp đồng mới sẽ có mức giá thuê cao hơn và thời hạn dài hơn (từ 1-2 năm) thay vì từ sáu tháng đến một năm như trước đó.

Triển vọng năm 2022~2023

Trong quý 4 năm 2022, như trong biểu đồ về backlog ở trên, các giàn khoan của PVD đã được sử dụng hết công suất. Giá thuê ngày tốt hơn so với quý 3 năm 2022, đạt mức 65 nghìn USD/ngày, do đó, giá thuê ngày trung bình cho năm 2022 có thể đạt 62 nghìn USD/ngày, cao hơn 2.000 USD/ngày so với dự báo trước đó của chúng tôi. Tuy nhiên, do lãi suất LIBOR 3 tháng cao hơn khoảng 130 bp so với quý 3 năm 2022, chi phí huy động vốn dự kiến sẽ cao hơn trong quý này. Theo SSI Research, VND dự kiến sẽ tiếp tục mất giá thêm khoảng 4% (cả năm VND sẽ giảm giá khoảng 9%), do đó lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ là một vấn đề đáng chú ý trong quý này. Thu nhập từ dịch vụ giếng khoan và các liên doanh có thể vẫn yếu do hoạt động E&P ở Việt Nam vẫn đình trệ. Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính năm 2022 phản ánh những thay đổi này.

Cụ thể, chúng tôi dự báo doanh thu năm 2022 đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng 34,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận gộp đạt 576 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ). Chúng tôi cũng ước tính công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 223 tỷ đồng cho năm 2022 (so với 62 tỷ đồng LNTT trong năm 2021). Lỗ ròng sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số có thể ở mức 244 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là quý 4/2022 dự báo công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 55 tỷ đồng.

Năm 2023, PVD gần như đã hoàn thành kế hoạch khoan cho tất cả các giàn khoan JU, nội dung trong biểu đồ doanh thu backlog như sau:

Cụ thể, giàn khoan PVD I dự kiến sẽ bắt đầu khoan cho JVPC từ quý 2/2023 tại Việt Nam trước khi chuyển sang Thái Lan để khoan cho Valeura. Giàn khoan PVD II có thể sẽ bắt đầu hợp đồng khoan hai năm cho Pertamina ở Indonesia, với tùy chọn gia hạn thêm một năm. Giàn khoan PVD III dự kiến sẽ bắt đầu khoan cho Hibiscus tại Malaysia vào năm 2023. Giàn khoan PVD V dự kiến sẽ tiếp tục khoan với Shell Brunei trong sáu năm tới. Giàn khoan PVD VI dự kiến sẽ khoan tại Việt Nam đến hết tháng 9 năm 2023, sau đó sẽ chuyển sang Thái Lan để thực hiện một hợp đồng khoan khác, hiện cả hai giao dịch đều đang trong quá trình đàm phán.

Mặc dù công ty không tiết lộ về giá thuê ngày của từng hợp đồng, chúng tôi hiểu rằng giá thuê ngày thường cao hơn đối với các hợp đồng ngắn hạn. Kể từ năm 2023, PVD có hai hợp đồng dài hạn mới với Pertamina và Hibiscus. Chúng tôi dự báo giá thuê ngày trung bình cho năm 2023 sẽ thấp hơn so với ước tính trước đó của chúng tôi, nhưng hiệu suất hoạt động sẽ cao hơn. Cụ thể, chúng tôi hạ ước tính giá thuê ngày trung bình trong năm 2023 xuống 67 nghìn USD/ngày (từ 72 nghìn USD/ngày) và nâng ước tính hiệu suất hoạt động của các giàn khoan JU lên 95% (từ 90%) so với 85% vào năm 2022.

Đối với năm 2023, SSI Research dự báo lãi suất LIBOR kỳ hạn 3 tháng sẽ duy trì trên 4% trong cả năm và VND tạm dừng giảm giá so với USD. Do đó, chi phí lãi vay có thể trở thành một vấn đề vào năm 2023 trong khi các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ không đáng lo ngại nữa.

Định giá và quan điểm đầu tư

Kể từ báo cáo cập nhật gần đây nhất của chúng tôi, kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam đã có nhiều tiến triển, với môi trường lãi suất cao hơn và rủi ro kinh tế đáng kể. Chúng tôi không nhận thấy sự ảnh hưởng đáng kể về nhu cầu khoan từ những thay đổi vĩ mô này, do các hoạt động đầu tư của ngành dầu khí dự kiến sẽ cao hơn trong vòng 5-10 năm tới. Tuy nhiên, những biến số mới này làm thay đổi lãi suất chiết khấu của chúng tôi và phản ánh lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn cũng như rủi ro đầu tư cổ phiếu cao hơn.

Cụ thể, chúng tôi thay đổi lãi suất phi rủi ro thành 5%/năm để phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện tại, trong khi phần bù rủi ro cổ phiếu được tăng lên 11% (từ 8,6% trước đây). Với những thay đổi về dự báo và lãi suất chiết khấu, chúng tôi đưa điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 18.200 đồng/cổ phiếu dựa trên mô hình định giá DCF, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 5%. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu PVD.

Triển vọng trong 3-6 tháng: Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức lỗ dự kiến trong quý 4/2022.

Rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị của chúng tôi: Giá dầu có xu hướng giảm.

Yếu tố hỗ trợ tăng giá: Giá thuê theo ngày cao hơn tại thị trường giàn khoan JU và giá dầu trung bình cao hơn tăng lên.