Nguồn: HSC
Khủng hoảng năng lượng thúc đẩy giá urea
Tóm tắt
Nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong Q4/2021-Q1/2022 do bán cầu Bắc bước vào mùa canh tác lớn nhất. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây tại châu Âu và Trung Quốc tạo thêm áp lực lên nguồn cung urea trên toàn cầu.
Nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung thắt chặt khiến giá phân bón trên thị trường quốc tế tăng vọt. Các nhà sản xuất urea, bao gồm DCM và DPM, sẽ được hưởng lợi do giá bán được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn so với chi phí đầu vào.
HSC nâng lần lượt 46,3% và 51,4% giá mục tiêu đối với DCM (Mua vào) và DPM (Tăng tỷ trọng), theo đó, tiềm năng tăng giá lần lượt là 27.4% và 6,1%. DCM là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Nhờ triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ, cổ phiếu này xứng đáng được định giá cao hơn.
Nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung hạn chế
Mùa đông thường là mùa cao điểm của thị trường phân bón, trong khi đó, do giá khí đốt tăng cao, nhiều nhà máy sản xuất urea tại châu Âu đã tạm thời đóng cửa.
Sản lượng urea tại Trung Quốc, đóng góp 31% vào công suất urea toàn cầu, dự kiến sẽ giảm trong Q4/2021-Q1/2022 do các quy định nghiêm ngặt về ô nhiễm không khí và cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước đang diễn ra.
Ngoài ra, từ tháng 7/2021, để đảm bảo nguồn cung trong nước, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu phân bón. Điều này đã làm tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Do nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung thiếu hụt, giá phân bón đã tăng 185% so với đầu năm.
Giá bán được hỗ trợ tới giữa năm 2022
Trên toàn cầu, khoảng 7,5 triệu tấn công suất urea mới dự kiến bắt đầu hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các dự án này đã bị trì hoãn cho đến năm 2022.
Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất urea như khí tự nhiên và than đá đã tăng mạnh so với đầu năm. Do chi phí tăng mạnh, nhiều nhà sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp có thể sẽ giảm sản lượng trong giai đoạn Q4/2021 - Q1/2022, do đó bù trừ cho phần tăng công suất tiềm năng. Từ đó, động lực này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá urea cho đến giữa năm 2022.
Các nhà sản xuất urea Việt Nam sẽ được hưởng lợi
DCM: HSC nâng dự báo lợi nhuận của DCM bình quân 46,3% trong giai đoạn 2021- 2023, theo đó, chúng tôi nâng 37,3% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 41.300đ, tiềm năng tăng giá là 27.4%.
Cổ phiếu hiện đang giao dịch với EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm là 4,5 lần so với mức bình quân là 3,7 lần (tính từ tháng 1/2017). Tuy nhiên, DCM vẫn đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2022 thấp hơn 45% so với mức bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực là 6,9 lần. Nhờ nền tảng mạnh mẽ, cổ phiếu DCM là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi và xứng đáng được định giá cao hơn. Do đó, chúng tôi nâng khuyến nghị lên Mua vào.
DPM: HSC nâng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2023 lên bình quân 51,4% sau khi điều chỉnh tăng dự báo giá bán bình quân. Cổ phiếu hiện đang giao dịch với EV/ EBITDA dự phóng trong một năm là 5,9 lần, hay cao hơn 59% so với mức trung bình là 3,7 lần (tính từ tháng 1/2017).
DCM vẫn đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2022 sát so với mức bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực là 3,7 lần. HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu là 52.000đ, tiềm năng tăng giá là 6,1%.