Nguồn: HSC
CPI tại Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 8 tháng
Tóm tắt
1. Thế giới
Những thông tin toàn cầu được chú ý trong tuần này bao gồm CPI tại Mỹ và Trung Quốc cho tháng 10, cùng với niềm tin tiêu dùng tháng 11/2022 tại Mỹ. Lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tăng chậm lại, ở mức 8% trong tháng 10/2022, có thể giúp hạ nhiệt xu hướng tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới của Fed. Trong bối cạnh lạm phát và lãi suất gia tăng, niềm tin tiêu dùng được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 59 trong tháng 11/2022. Tại Trung Quốc CPI tháng 10/2022 được dự báo sẽ tăng chậm lại, ở mức 2,5% so với cùng kỳ sau khi chạm đỉnh 2 năm trong tháng trước đó. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Mỹ
Trong tháng 10/2022, lạm phát tổng thể tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương lạm phát tăng chậm lại 8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 9/2022, lạm phát tại Mỹ tăng chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp, ở mức 8,2% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 7 tháng. Chi số năng lượng tăng chậm lại, ở mức 19,8% so với cùng kỳ do giá xăng dầu (giảm 18,2% so với cùng kỳ), nhiên liệu (giảm 58,1% so với cùng kỳ) và xe tải & phương tiện đã qua sử dụng (giảm 7,2% so với cùng kỳ) giảm. Ngược lại, giá nhà ở tăng nhanh hơn (tăng 6,6% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 6,6% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 8/1982, cho thấy áp lực lạm phát vẫn leo thang.
Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 59 trong tháng 11/2022. Trong tháng 10/2022, niềm tin tiêu dùng tăng trong tháng thứ 5 liên tiếp, ở mức 59,9. Tuy nhiên, lo ngại về triển vọng lạm phát vẫn tăng cao, với kỳ vọng lạm phát có thể sẽ không ổn định trong những tháng tới.
Trung Quốc
Lạm phát tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng vừa phải 2,5% so với cùng kỳ trong tháng 10/2022. Trong tháng 9/2022, lạm phát tăng 2,8% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, chủ yếu do chi phí lương thực tăng mạnh lên mức cao nhất trong 25 tháng, với giá thịt lợn tiếp tục tăng nhanh bất chấp những nỗ lực cung cấp thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia vào thị trường của chính phủ. Trong khi đó, lạm phát phi thực phẩm tăng chậm lại, ở mức 1,5% so với cùng kỳ, trong bối cảnh chi phí giao thông & truyền thông (tăng 4,5% so với cùng kỳ) và chi phí nhà ở (tăng 0,3% so với cùng kỳ) tăng chậm lại. Trung Quốc đặt mục tiêu CPI tăng 3% trong năm 2022, tương đương năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2022 của Trung Quốc được dự báo sẽ chững lại trong tháng thứ 3 liên tiếp, tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ còn tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,7% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022, mức chậm nhất kể từ tháng 4/2022, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu suy yếu do lạm phát toàn cầu tăng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu tại khu vực ASEAN (tăng 29,5% so với cùng kỳ), Nga (tăng 22,2% so với cùng kỳ) và EU (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 11,6% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022, tương đương với tháng trước đó, do tiêu thụ nội địa giảm, giá nhập khẩu tăng và các biện pháp hạn chế kéo dài. Kim ngạch nhập khẩu từ Nga, chủ yếu là dầu và khí đốt, tăng 55,2% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng 4,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ EU (giảm 8,4% so với cùng kỳ) và Mỹ.
2. Việt Nam
Tổng cục Hải quan sẽ công bố số liệu thương mại tháng 10/2022 vào thứ hai. Kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 4,5% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với tăng 9,9% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND giao ngay (niêm yết tại VCB) đã giảm xuống 24.716đ (giảm 0,024%), cho thấy áp lực lên thị trường ngoại hối đã hạ nhiệt sau 11 tuần liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số VNIndex giảm 2,9% (so với tăng 0,7% trong tuần trước), đóng cửa tại 997,15.
Hoạt động thương mại
Trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 4,5% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với tăng 9,9% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022. Theo ước tính cùa Tổng cục Thống kê, thặng dư thương mại ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tương đương thặng dư 9,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022, so với thâm hụt 0,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021.