Kinh tế vĩ mô: Doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP Q3/2022

Nguồn: HSC

Doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP Q3/2022

 

 

Tóm tắt

  • HSC nâng dự báo doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ năm 2022 từ 10,1% lên 18,8% sau khi ghi nhận kết quả khả quan kể từ đầu năm. Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tiếp tục là tâm điểm trong tháng 8 sau khi tăng mạnh 50,2% (so với tăng 43,8% trong tháng 7) từ mức nền thấp trong năm 2021.
  • Do FDI cam kết tính từ đầu năm thấp hơn so với kỳ vọng, chúng tôi hạ dự báo năm 2022 – từ tăng 16,2% xuống giảm 3,5%.
  • HSC nâng dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2022 từ 23.249 lên 23.551 trong bối cảnh Fed nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất đến đầu năm 2024.
  • CPI cơ bản chạm mức 3,06% trong tháng 8 – mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Điều này có thể cản trở khả năng nới hạn mức tín dụng của NHNN lên trên mức trần năm 2022 là 14%.

Nhờ đà tăng trong tháng 8, tiêu dùng sẽ là động lực thúc đẩy GDP trong Q3/2022

Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tiếp tục là tâm điểm trong tháng 8 khi hồi phục 50,2% so với cùng kỳ từ mức nền thấp trong năm 2021 - thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp phong toả do dịch COVID-19. Do tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, HSC điều chỉnh tăng dự báo doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ 2022 – từ tăng trưởng 10,1% lên tăng trưởng 18,8%. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng GDP trong Q3/2022 đạt 9,5% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo và đặc biệt là doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ khả quan trong 2 tháng đầu quý sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng này, với nhiều khả năng GDP thực tế có thể vượt dự báo hơn.

Các chỉ số khác trái chiều, HSC điều chỉnh một vài dự báo

CPI tháng 8 đã giảm xuống 2,89% so với cùng kỳ nhờ giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, áp lực vẫn tiếp tục gia tăng từ lạm phát nhóm lương thực & thực phẩm khiến CPI cơ bản tăng 3,06% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2020. Lưu ý, điều này có thể cản trở khả năng nới hạn mức tín dụng của NHNN lên trên mức trần năm 2022 là 14%. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng mạnh trong tháng 8, một phần do mức nền thấp trong năm 2021 khi KNXK giảm 1,3% so với cùng kỳ. Do KNXK tăng mạnh hơn so với KNNK, thặng dư thương mại trong tháng ước tính đạt khoảng 2,4 tỷ USD.

Vốn FDI giải ngân đã tăng 10,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, kịp tiến độ để đạt dự báo tăng trưởng năm 2022 của chúng tôi là 13,3%. Tuy nhiên, do FDI cam kết thấp hơn so với kỳ vọng, chúng tôi hạ dự báo năm 2022 – từ tăng trưởng 16,2% xuống giảm 3,5%. Chúng tôi vẫn đưa ra nhận định lạc quan trong tương lai và duy trì dự báo FDI giải ngân và FDI cam kết sẽ tăng trưởng lần lượt 10% và 15%. Số lượng các dự án sản xuất công nghiệp do Apple, Foxconn và Lotte đầu tư tăng cho thấy Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, HSC nâng dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2022 lên 23.551 trong bối cảnh Fed dự kiến tăng mạnh lãi suất đến đầu năm 2024. Dự trữ ngoại hối tổng thể có thể giảm xuống 95 tỷ USD trong năm 2022, trước khi tăng trở lại nhờ kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2023.