Kinh tế vĩ mô: GDP Q1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2019

Nguồn: HSC

GDP Q1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2019

 

 

Tóm tắt

GDP Q1/2022 tăng 5,03%, mức tăng mạnh nhất trong quý 1 kể từ năm 2019 nhờ ngành công nghiệp chế biến & chế tạo tăng 7,79%, trong khi hoạt động dịch vụ bị tụt lại (tăng 2,57%). Kết quả này sát với dự báo của HSC là tăng 5%.

Bất chấp những căng thẳng địa chính trị và triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu tại một số đối tác thương mại chính, hoạt động thương mại vẫn tăng tốt trong Q1/2022 với kim ngạch xuất khẩu tăng 12,9%.

Chi phí giao thông tăng mạnh, trong khi chi phí liên quan tới thực phẩm và nhà ở tăng chậm lại và chậm hơn so với mức tăng của CPI tổng thể.

FDI thực hiện trong Q1/2022 tăng 7,8% - mức tăng mạnh nhất trong Q1 kể từ năm 2016.

GDP tăng 5,3% so với cùng kỳ trong Q1/2022, sát với dự báo của HSC

GDP Q1/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ so với tăng 4,72% so với cùng kỳ trong Q1/2022 và tăng 3,66% so với cùng kỳ trong Q1/2020. Theo đó, đây là mức tăng mạnh nhất trong Q1 kể từ năm 2019 (Bảng 2) và sát với dự báo của HSC là tăng 5,0% so với cùng kỳ.

Các động lực tăng trưởng chính bao gồm ngành công nghiệp chế biến & chế tạo (tăng 7,79% so với cùng kỳ), sản xuất và phân phối điện (tăng 7,42% so với cùng kỳ), cấp nước (tăng 6,54% so với cùng kỳ), vận tải & kho bãi (tăng 7,06% so với cùng kỳ), thông tin & truyền thông (tăng 5,64% so với cùng kỳ), tài chính & ngân hàng (tăng 9,75% so với cùng kỳ), khoa học & công nghệ (tăng 6,41% so với cùng kỳ) và y tế (tăng (13,22% so với cùng kỳ).

Thời gian tới, HSC dự báo GDP sẽ tăng nhanh lên lần lượt 5,1%, 9,5% và 5,3% so với cùng kỳ trong Q2, Q3 và Q4/2022. (Mời xem: Căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, 26/3/2022, HSC).

Hoạt động thương mại tăng trưởng tốt, nhưng chậm hơn so với cùng kỳ

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và triển vọng tăng trưởng kinh tế tại mốt số đối tác thương mại chính suy yếu như Mỹ (thị trường dự báo GDP năm 2022 sẽ tăng trưởng 2,8% so với tăng trưởng 5,7% trong năm 2021), hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn tích cực.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu Q1/2022 tăng lần lượt 12,9% và 15,9% so với cùng kỳ, tương đương với thặng dư thương mại 0,8 tỷ USD trong Q1/2022. Mặc dù vậy, mức tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

Lạm phát tăng 2,41% so với cùng kỳ do giá năng lượng tăng mạnh

Về mặt giá cả, trong tháng 3/2022, mặc dù chi phí giao thông (tăng 18,29% so với cùng kỳ) tăng mạnh, chi phí lương thực & thực phẩm (tăng 1% so với cùng kỳ) và nhà ở & vật liệu xây dựng (tăng 1,7% so với cùng kỳ) vẫn ở mức thấp và tăng chậm hơn so với mức tăng của CPI tổng thể là tăng 2,41% so với cùng kỳ.