Kinh tế vĩ mô hàng tháng: Nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi; Tiến sát mục tiêu hơn nhưng còn nhiều tiêu chí cần cải thiện

                        Nguồn: HSC

Nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi: Tiến  sát mục tiêu hơn nhưng còn nhiều tiêu chí cần cải thiện

 

 

 

  • HSC tin rằng việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cổ phiếu Việt Nam, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng thị trường để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
  • Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong năm 2024, sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến việc gỡ bỏ quy định NĐT nước ngoài cần ký quỹ trước khi giao dịch và triển khai hệ thống giao dịch KRX.
  • Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để nâng cấp TTCK theo các tiêu chí của MSCI.
  • Dựa trên nghiên cứu sự kiện (7 thị trường mới nổi), thị trường thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI tuy nhiên mối tương quan không rõ rệt sau khi thị trường được nâng hạng.
 
Nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam
 
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Nâng cấp TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu quan trọng, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nâng hạng TTCK trước năm 2025.
 
TTCK Việt Nam đang được xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên, đặc biệt đang nằm trong nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell kể từ năm 2018, cho thấy tiềm năng được xét nâng hạng. Vốn hóa TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm thị trường cận biên, lần lượt chiếm 26% và 35% tỷ trọng chỉ số MSCI Frontier Markets và FTSE Frontier, được ví như “con cá lớn nằm trong ao nhỏ”. Ngoài ra, mặc dù là thị trường cận biên nhưng TTCK Việt Nam có quy mô tương đồng về tính thanh khoản và vốn hóa so với một số thị trường mới nổi khác trên thế giới.
 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đáp ứng thêm một số tiêu chí để được nâng hạng thị trường. Theo tiêu chí của FTSE, Việt Nam sẽ được nâng hạng sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến việc gỡ bỏ quy định NĐT nước ngoài cần ký quỹ trước khi giao dịch và triển khai hệ thống giao dịch KRX. Sẽ cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng các tiêu chí của MSCI do các yêu cầu về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025.
 
Việc nâng hạng TTCK có tiềm năng thu hút thêm hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, như trường hợp của TTCK Kuwait và Qatar. Dựa trên nghiên cứu sự kiện (7 thị trường mới nổi: Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan), thị trường thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và không có nhiều mối tương quan sau nâng hạng (Bảng 12).
 
Trong trường hợp của các quốc gia khác như Peru, Maroc, Pakistan và Argentina, thách thức trong việc duy trì thứ hạng thị trường đến từ khả năng tiếp cận, quy mô và tính thanh khoản suy giảm. Lưu ý rằng tất cả các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN (Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) đều giữ được thứ hạng sau khi được nâng hạng.