Kinh tế vĩ mô hàng tháng: Nền kinh tế Việt Nam ổn định trước tình hình đồng VND suy yếu nhẹ

Nguồn: HSC

Nền kinh tế Việt Nam ổn định trước tình hình đồng VND suy yếu nhẹ

 

 

Tóm tắt

  • Triển vọng của đồng VND trở nên ảm đạm sau các biến động đáng kể bao gồm đồng USD tiếp tục mạnh lên và đồng CNY yếu đi. Chúng tôi nâng dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt lên 23.900, 23.800 và 23.700.
  • Các đợt tăng trần lãi suất huy động ngắn hạn gần đây đã làm tăng chi phí huy động vốn (COF) của các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản trong Q4/2022. Chúng tôi kỳ vọng phần lớn các ngân hàng có thể chuyển chi phí này sang cho khách hàng vay, với hệ số NIM của các ngân hàng do HSC dự báo ở mức khoảng 3,9%.
  • Xu hướng chung của nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện trong Q3/2022, nhờ tiêu dùng đặc biệt mạnh mẽ, hoạt động thương mại ổn định và giá trị sản xuất công nghiệp tăng. Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP Q3/2022 lên 11,8%, theo đó tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ đạt 7,55%.

Đồng VND được dự báo suy yếu nhẹ

Triển vọng của đồng VND suy yếu do một vài yếu tố. Thứ nhất, chỉ số Dollar Index (DXY) - phản ánh sức mạnh của đồng USD so với tiền tệ của các đối tác thương mại - đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2002. Thứ hai, dù môi trường lạm phát thấp, đồng CNY (RMB) của Trung Quốc vẫn đang suy yếu do áp dụng lãi suất chính sách thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện các biện pháp phong toả do dịch COVID-19 và củng cố niềm tin vào thị trường BĐS. Chúng tôi nhận thấy mối tương quan giữa biến động trong tỷ giá USD/VND và USD/RMB cao hơn so với thay đổi của chỉ số DXY, cho thấy đồng VND sẽ tiếp tục giảm nếu tỷ giá RMB/USD tiếp tục suy yếu. HSC nâng bình quân 1,3% dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm cho giai đoạn 2022-2024.

Ngân hàng: Tác động của việc tăng lãi suất chính sách phần lớn có thể được chuyển sang cho khách hàng

Theo HSC, việc nâng trần lãi suất huy động ngắn hạn gần đây sẽ tác động đến các ngân hàng nhiều hơn so với các thay đổi lãi suất chính sách khác, giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng và giảm bớt áp lực trên thị trường liên ngân hàng. Chúng tôi ước tính việc tăng lãi suất chính sách sẽ làm tăng chi phí huy động vốn (COF) của các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản trong Q4/2022 so với mức hiện tại, đưa mức tăng trưởng trong năm 2022 lên 80 điểm cơ bản sau khi tăng khoảng 30 điểm cơ bản so với quý trước trong Q3/2022. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng phần lớn các ngân hàng có thể chuyển chi phí gia tăng này sang cho khách hàng vay do nhu cầu tín dụng vẫn cao và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Theo HSC, hệ số NIM trung bình của các ngân hàng chúng tôi khuyến nghị sẽ duy trì ở mức 3,9% trong năm 2022.

Dự báo tăng trưởng kinh tế: Nâng dự báo năm 2022, duy trì dự báo năm 2023-2024

Xu hướng chung của nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện trong Q3/2022, nhờ tiêu dùng đặc biệt mạnh mẽ (doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ ước tính tăng 50% so với cùng kỳ), hoạt động thương mại ổn định (KNXK và KNNK lần lượt tăng 16% và 8% so với cùng kỳ) và giá trị sản xuất công nghiệp tăng (có thể hơn 13% so với cùng kỳ). Theo mô hình hồi quy của chúng tôi, tăng trưởng GDP trong Q3/2022 có thể đạt 11,8% so với cùng kỳ (tăng từ mức 9,5% so với cùng kỳ trước đó), theo đó tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,55% (tăng từ mức 6,84% trước đó). HSC duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 6,7% và 6,5% nhờ tài khoản vãng lai được kỳ vọng sẽ cải thiện khi giá dầu giảm.