- Sản phẩm bán dẫn đóng góp 19% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng công nghệ của Việt Nam trong năm 2021 (tăng mạnh từ 11% vào năm 2011) với nhu cầu ngày càng tăng từ Mỹ và Trung Quốc.
- Trong bối cảnh Mỹ thực hiện chính sách cách giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng chip, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ thời gian gần đây.
- Việc chưa có đủ nhân công trình độ cao và nguồn năng lượng thiếu ổn định sẽ là những thách thức Việt Nam cần vượt qua để trở thành trung tâm sản xuất chip kế tiếp trong khu vực.
- Đầu tư mới vào ngành bán dẫn có thể đẩy mạnh thu hút vốn FDI và đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng xuất khẩu & GDP.
Tổng quan ngành bán dẫn thế giới
Bán dẫn là sản phẩm không thể thiếu trong nền kinh tế ngày nay, cấu tạo nên các thiết bị điện tử quan trọng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Mỹ là quốc gia dẫn đầu ngành bán dẫn thế giới nhưng chuỗi cung ứng lại tập trung ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.
Hiện trạng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Trong nhóm hàng xuất khẩu công nghệ, sản phẩm bán dẫn đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, đóng góp 19% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng công nghệ của Việt Nam trong năm 2021 (so với 11% trong năm 2011) với nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam có tiềm năng phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp lắp ráp và thiết kế chip với khả năng sản xuất các loại chip truyền thống, chẳng hạn như chip sử dụng trong ô tô.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng “hợp tác với đồng minh” trong bối cảnh Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng bán dẫn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chưa có đủ nhân công trình độ cao và nguồn năng lượng thiếu ổn định sẽ là những thách thức Việt Nam cần vượt qua để trở thành trung tâm sản xuất chip kế tiếp trong khu vực.
Xác định tiềm năng của ngành bán dẫn đối với nền kinh tế Việt Nam
Đầu tư mới vào ngành bán dẫn có thể giúp thu hút đáng kể vốn FDI, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và đẩy mạnh tăng trưởng GDP. Các khoản đầu tư này cũng sẽ tạo ra việc làm và kéo theo các ngành công nghiệp liên quan như sản xuất thép, xi măng & kim loại. Việt Nam có tiềm năng đạt được bước phát triển đột phá giống như Đài Loan, chuyển đổi từ khâu lắp ráp có giá trị gia tăng thấp sang khâu chế tạo có giá trị gia tăng cao. Từ đó, ngành có thể đóng góp nhiều hơn vào GDP, nâng cao năng lực công nghệ và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Trên cơ sở đó, ngành bán dẫn có thể trở thành động lực mạnh mẽ tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.
Cơ hội tham gia vào ngành sản xuất chip toàn cầu
Việt Nam có tiềm năng phát triển nhanh chóng trong khâu lắp ráp và thiết kế chip. Việt Nam cũng có tiềm năng sản xuất các loại chip truyền thống, chẳng hạn như chip sử dụng trong ô tô. Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng “hợp tác với đồng minh” trong bối cảnh Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng bán dẫn vào Trung Quốc. Ngành bán dẫn có thể trở thành động lực mạnh mẽ tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.
Tổng quan ngành bán dẫn thế giới
Bán dẫn là sản phẩm không thể thiếu trong nền kinh tế ngày nay, cấu tạo nên các thiết bị điện tử quan trọng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp
Sản phẩm bán dẫn, hay còn được gọi là chip, là những bộ phận chuyên dụng trong các thiết bị điện tử được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành kinh tế như viễn thông, máy tính, ô tô. Chuỗi giá trị ngành bán dẫn (bao gồm nhiều khâu trong quá trình tạo ra chất bán dẫn) rất phức tạp và phân bố trên toàn cầu (Biểu đồ 2-3).
Mỹ là quốc gia dẫn đầu ngành bán dẫn toàn cầu nhưng chuỗi cung ứng lại tập trung ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan
Là nơi phát minh ra sản phẩm bán dẫn, Mỹ vẫn giữ vị thế đứng dầu trong ngành, chiếm tới khoảng 50% doanh số bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh số bán dẫn từ Mỹ đã giảm trong những năm gần đây vì hầu hết các cơ sở sản xuất hiện được đặt tại châu Á (Biểu đồ 4-5). Cụ thể, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đang sản xuất phần lớn sản phẩm bán dẫn của thế giới; tuy nhiên khả năng sản xuất của những quốc gia này phụ thuộc nhiều vào các thiết kế và thiết bị chủ yếu từ Mỹ và EU.
Bán dẫn là ngành đòi hỏi rất cao về R&D và vốn đầu tư
Mức độ phức tạp của công nghệ gia tăng nhanh chóng đòi hỏi sự đầu tư không ngừng vào cả khâu thiết kế (R&D) và sản xuất (vốn xây dựng cơ bản) trong lĩnh vực bán dẫn. Theo Hãng tư vấn Boston, bán dẫn là ngành ngành đòi hỏi đầu tư cao nhất về R&D và vốn xây dựng cơ bản. Cụ thể, khâu thiết kế chip chiếm khoảng 55% chi phí đầu tư R&D và khâu chế tạo đĩa bán dẫn chiếm khoảng 80% chi phí đầu tư cho sản xuất bán dẫn (Biểu đồ 6-7)
Hiện trạng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Bán dẫn đang trở thành mặt hàng quan trọng trong cơ cấu thương mại của Việt Nam
Trong báo cáo này, HSC sử dụng dữ liệu về kim ngạch thương mại từ Trung tâm Thương mại Quốc tế để thuận tiện cho việc so sánh giữa các nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2011-2021, xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ với tỷ trọng mặt hàng công nghệ tăng mạnh từ 10% trong năm 2011 lên 33% vào năm 2021 (Biểu đồ 8). Sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Foxconn và Intel giữ vai trò then chốt trong sự chuyển đổi này, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu sản phẩm công nghệ lớn thứ 10 trên thế giới.
Trong cơ cấu xuất khẩu, sản phẩm bán dẫn đang trở thành động lực tăng trưởng lớn, đóng góp 19% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ trong năm 2021 (so với 11% trong năm 2011) với nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc và Mỹ. Điều này làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào sản phẩm điện thoại trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng công nghệ (Biểu đồ 8-11).
Mặc dù đạt được thành tựu lớn trong xuất khẩu bán dẫn, Việt Nam vẫn đang thâm hụt ở lĩnh vực này. Điều này là do mô hình giá trị gia tăng thấp, trong đó Việt Nam phải nhập khẩu chip để lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao. Đáng chú ý là tình hình này cũng diễn ra tại Trung Quốc với bán dẫn là mặt hàng tạo ra thâm hụt lớn nhất trong cơ cấu thương mại. Như vậy, việc đạt được sự tự chủ về công nghệ trong ngành bán dẫn vẫn là tương lai khá xa đối với cả Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất chip kế tiếp trong khu vực
Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm về sản phẩm bán dẫn trong khu vực mặc dù xuất phát điểm hiện còn khiêm tốn (Biểu đồ 12-13). Theo một chuyên gia của Mỹ, Việt Nam có tiềm năng lớn để nhanh chóng phát triển mảng lắp ráp và thiết kế chip. Đối với khâu sản xuất, Việt Nam có thể phù hợp với các chip truyền thống, chẳng hạn chip sử dụng trong ô tô (vui lòng tham khảo bài viết Intel cân nhắc tăng cường đầu tư vào nhà máy đóng gói chip ở Việt Nam, Channel News Asia, tháng 2/2023).
Các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu, chủ yếu từ Mỹ và Hàn Quốc đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào khâu thiết kế, thử nghiệm và đóng gói. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực bán dẫn là FPT và Viettel, chủ yếu tham gia vào khâu thiết kế; từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp quan trong này tại Việt Nam (Biểu đồ 14)
Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng “hợp tác với đồng minh” trong bối cảnh Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng bán dẫn vào Trung Quốc
Ngành bán dẫn đã trở thành một trong những điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Trung Quốc. Trong đó cả 2 bên tìm cách nâng cao năng lực trong lĩnh vực này và đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm kiềm hãm sức mạnh của nhau (Biểu đồ 15-16).
Theo đó, Mỹ cần tìm các đối tác tin cậy để đưa vào chuỗi cung ứng chip của mình vàViệt Nam đang trở thành điểm đến nhiều hứa hẹn. Sau sự kiện lịch sử nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra vào tháng 9/2023, Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng “Mỹ nhận thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc đóng một vai trò quan trọng vào quá trình xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững trong ngành bán dẫn, đặc biệt với chính sách nâng cao năng lực của các đối tác đáng tin cậy ở những khâu không thể triển khai tại Mỹ.
Việc chưa có đủ nhân công trình độ cao và nguồn năng lượng thiếu ổn định sẽ là những thách thức Việt Nam cần vượt qua để trở thành trung tâm sản xuất chip kế tiếp trong khu vực
Ngành bán dẫn Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn là thiếu nhân công trình độ cao. Theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thứ hạng thấp về chỉ số lao động trình độ cao. Điều này cho thấy Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách về trình độ lao động nhằm hỗ trợ sự phát triển và khả năng cạnh tranh của ngành bán dẫn (Biểu đồ 17).
Ngoài ra, các nhà máy sản xuất bán dẫn sử dụng một lượng điện và nước lớn. Một nhà máy sản xuất chip thông thường 1 năm sử dụng lượng điện bằng 500 nghìn hộ gia đình và tiêu tốn lượng nước tương đương một thanh phố 60 nghìn dân.
Mặc dù có nguồn tài nguyên nước dồi dào, nguồn cung cấp điện của Việt Nam hiện không ổn định và không đủ nhiều so với các nước trong khu vực (Biểu đồ 18-19).
Tác động tiềm năng của ngành bán dẫn đối với nền kinh tế Việt Nam
Đầu tư mới vào ngành bán dẫn có thể đẩy mạnh thu hút vốn FDI và đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng xuất khẩu & GDP
Ngành công nghiệp bán dẫn có thể trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trung bình, một cơ sở chế tạo bán dẫn cần vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, trong khi cơ sở đóng gói và thử nghiệm (OSAT) cần vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD (Biểu đồ 20-21). Với quy mô vốn đầu tư lớn như vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực OSAT và chế tạo chip có thể giúp thu hút mạnh mẽ vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu và kích thích tăng trưởng GDP của Việt Nam (Biểu đồ 22).
Lưu ý rằng ảnh hưởng về mặt kinh tế của một dự án chế tạo chip sẽ rất lớn, xét ở cả vốn đầu tư ban đầu và giá trị gia tăng trong giá trị sản phẩm (khoảng 60% so với tỷ lệ khoảng 20% ở các dự án OSAT).
Đầu tư vào ngành bán dẫn sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc làm và các ngành liên quan
Đầu tư vào ngành bán dẫn sẽ ảnh hưởng tích cực và sâu rộng đến các ngành bên ngoài lĩnh vực điện tử. Quá trình xây dựng (có thể kéo dài vài năm) cơ sở sản xuất sẽ cần tiêu thụ một lượng lớn VLXD như thép, bê tông & kim loại, từ đó sẽ kích thích các ngành công nghiệp trong nước (Bảng 23).
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở sản xuất bán dẫn sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động trình độ cao, giúp nâng cao mặt bằng lương và thúc đẩy chuyển giao công nghệ; và tất cả những điều này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghệ toàn cầu và thu hút thêm vốn đầu tư (Biểu đồ 24-25).
Ngành bán dẫn có thể trở thành động lực tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế Việt Nam
Ngành sản xuất máy tính & sản phẩm điện tử của Việt Nam chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất. Trên thực tế, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các ngành truyền thống như nông nghiệp và thủy sản. Theo đó, đóng góp của ngành sản xuất máy tính & sản phẩm điện tử vào GDP vẫn khiêm tốn mặc dù giá trị sản xuất lớn (Biểu đồ 26-27).
Điều này cũng đã diễn ra ở ngành điện tử của Đài Loan những năm 1980 và 1990, trong đó ngành chủ yếu tập trung vào lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Tuy nhiên, từ năm 2000-2022, ngành điện tử của Đài Loan đã có sự thay đổi mạnh mẽ với khối lượng công việc có giá trị gia tăng thấp là lắp ráp & đóng gói đã giảm mạnh. Tại Đài Loan, ngành sản xuất chip với giá trị gia tăng lớn đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Sự thay đổi nói trên đánh dấu thời khắc bắt đầu phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Đài Loan, biến quốc gia này trở thành mắt xích quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu (Biểu đồ 28-29).
Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển tương tự như Đài Loan ở ngành bán dẫn. Quá trình chuyển trọng tâm từ khâu lắp ráp có giá trị gia tăng thấp sang khâu chế tạo với giá trị gia tăng cao không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP mà còn nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.
Tóm lại, với tính chất luôn đổi mới với các quy trình sản xuất phức tạp, ngành bán dẫn hứa hẹn trở thành động lực giúp nền kinh tế Việt Nam có bước đột phá về tăng trưởng.