Nguồn: VCSC
Kinh tế dần phục hồi sau giãn cách xã hội
Các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng trên toàn quốc; 85,2% dân số trên 18 tuổi được tiêm chủng. Trong tháng 10, Việt Nam đã nới lỏng và dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên cả nước. Người dân hiện đã được cho phép di chuyển trong nước với một số điều kiện được áp dụng. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 trung bình đã giảm đáng kể trong tháng 10 (trung bình ở mức 4,100 ca trong tháng 10 so với gần 11,000 ca trong tháng 9), số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên khoảng 6.000 trong tuần đầu tiên của tháng 11 khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Tính đến ngày 4/11, 85,2% dân số trên 18 tuổi được tiêm chủng, trong đó 37,8% đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi ở các trung tâm công nghiệp phía Nam, bao gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, đã lên hơn 80% từ mức xấp xỉ 70% hồi đầu tháng 10.
Hoạt động sản xuất cho thấy các dấu hiệu phục hồi. Hoạt động sản xuất đã dần hồi phục trở lại vào tháng 10 sau khi mở cửa các tỉnh thành miền Nam và một số các tỉnh khác. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,9% so với tháng trước (MoM) nhưng vẫn giảm 1,6% YoY trong tháng 10. Theo IHS Markit, Chỉ số Nhà quản trị Nhà Mua hàng (PMI) của Việt Nam đã phục hồi lên 52,1 điểm trong tháng 10 từ mức 40,2 điểm trong tháng 9, kết thúc đà giảm kéo dài liên tiếp trong 4 tháng. Chúng tôi cho rằng hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục được cải thiện trong những tháng tới khi có nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động nhằm đáp ứng lượng đơn hàng tồn đọng gia tăng vào cuối năm.
Tổng doanh số bán lẻ phục hồi so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ. Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,1% MoM nhưng giảm 19,5% YoY. Trong 10 tháng năm 2021, tổng doanh số bán lẻ giảm 8,6% YoY, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,3%, so với mức giảm tương ứng 0,2% YoY và 4,5% YoY trong 9 tháng 2020. Thị trường lao động vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và các ca nhiễm COVID-19 gia tăng gần đây có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng lên trước mùa lễ hội cuối năm.
Chi đầu tư phát triển đạt mức cao nhất trong 5 tháng. Ngân sách Nhà nước ghi nhận thặng dư tài khóa 74,9 nghìn tỷ đồng tong 10 tháng năm 2021. Đáng chú ý, chi đầu tư và phát triển tăng 24,7% MoM lên 38,8 nghìn tỷ đồng - mức giải ngân hàng tháng cao nhất kể từ tháng 6/2021. Chúng tôi kỳ vọng chi ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm do tăng chi tiêu để giải quyết các vấn đề liên quan đến đại dịch và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Vốn FDI giải ngân đạt mức cao nhất trong 4 tháng. Vốn FDI giải ngân tăng 10,0% MoM lên 1,87 tỷ USD - mức cao nhất trong 4 tháng - nhờ các Bộ và chính quyền địa phương tăng tốc quá trình đầu tư sau một thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Trong 10 tháng năm 2021, tổng giải ngân vốn FDI giảm 4,1% YoY xuống còn 15,2 tỷ USD trong khi tổng vốn FDI đăng ký tăng 1,1% YoY đạt 23,4 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng việc mở cửa trở lại trên cả nước và tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động đầu tư và giải ngân vốn FDI trong những tháng tới.
Xuất siêu trong tháng 10 giúp giảm thâm hụt thương mại tính từ đầu năm đến nay. Theo ước tính của TCTK, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 27,3 tỷ USD (+0,3% YoY) và 26,2 tỷ USD (+8,1% YoY), dẫn đến thặng dư thương mại 1,1 tỷ USD trong tháng 10. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2021 , kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 267,9 tỷ USD (+16,6% YoY) và 269,4 tỷ USD (+28,2% YoY), dẫn đến thâm hụt thương mại 1,5 tỷ USD. Theo báo cáo PMI IHS Markit, lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 10 đã tăng lần đầu tiên tăng kể từ tháng 5, do đó chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 11 nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng trước mùa lễ hội cuối năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhờ giá thuê nhà và giá lương thực thực phẩm giảm dù giá dầu tăng mạnh. CPI tháng 10 giảm nhẹ 0,2% MoM và tăng 1,77% YoY (so với mức tăng 2,06% YoY trong tháng 9). Dù giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua, giá lương thực thực phẩm và giá thuê nhà giảm giúp giảm CPI trong tháng 10. Tính chung trong 10 tháng năm 2021, CPI bình quân tăng 1,81% YoY, mức thấp nhất kể từ 2016. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,0% trong năm 2021.
Tỷ giá ổn định trong tháng 10. Tính đến cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi ở mức 22.752 so với 22.761 hồi cuối tháng 9, tương ứng VND đã tăng giá 1,5% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Tại cuộc họp ngày 4/11, Fed công bố kế hoạch sẽ giảm dần tốc độ mua tài sản 15 tỷ USD/tháng, vốn hiện ở mức 120 tỷ USD/tháng bắt đầu từ tháng 11. Mặc dù đồng USD tăng giá có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên đồng VND, nguồn cung USD từ giải ngân FDI ổn định và cán cân thương mại cải thiện, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho diễn biến ổn định của VND (trong tuần đầu tiên của tháng 11, NHNN đã mua một lượng lớn USD từ các ngân hàng thương mại nhờ dòng vốn ngoại dồi dào trong thời gian qua).