Kinh tế vĩ mô : Kinh tế vĩ mô 2023

                                                                   Nguồn: AGRISECO

 

 

Tổng quan kinh tế vĩ mô 2023

Tăng trưởng gdp 2023 ở mức thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm
  
  • Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% thấp hơn so với mục tiêu từ đầu năm và là năm có tốc độ tăng trưởng thấp thứ 3 trong giai đoạn 2010 – 2023.
  • Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng là động lực tăng trưởng kinh tế chính của nước ta nhiều năm qua vẫn tiếp tục khó khăn. Cụthể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 5% so với cùng kỳ và chỉ số PMI tháng 12 đạt 48,9 điểm, tiếp tục giảm thấp dưới ngưỡng trung bình 50 điểm liên tiếp 5 tháng gần đây trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu và chi phí đầu vào tăng.

Các điểm nghẽn tăng trưởng năm 2023

Chúng tôi đánh giá tăng trưởng GDP năm 2023 thấp chủ yếu do 2 nguyên nhân: (1) Ngành BĐS và các ngành liên quan (Xây dựng, Vật liệu xây dựng) vẫn gặp nhiều khó khăn; (2) Ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài khi xuất, nhập khẩu sụt giảm mạnh
 
 
Các điểm nghẽn tăng trưởng năm 2023
 
Ngành BĐS và các ngành liên quan (Xây dựng, Vật liệu xây dựng, Đầu tư công) vẫn gặp nhiều khó khăn
 
Ngành bất động sản ước tính đóng góp 3-3,5% vào GDP. Tuy nhiên, thống kê từ GSO, BĐS và các ngành liên quan (XD, VLXD, tài chính) đóng góp đến 20% tỷ trọng GDP. Theo đó, thị trường BĐS đóng băng ảnh hưởng lợi nhuận của nhiều ngành nghề sụt giảm.
 
 
Ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài khi xuất, nhập khẩu sụt giảm mạnh
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm năm 2023 với mức giảm 6,6% khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam gặp khó khăn, cầu bên ngoài suy yếu.
Các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu năm 2023 ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực. Hầu hết lợi nhuận sau thuế nhóm tiêu dùng, xuất khẩu đều sụt giảm từ 20 – 70% so với cùng kỳ năm 2022 khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Nhiều tập đoàn lớn tại các khu công nghiệp đã phải giải thể, cắt giảm lương, lao động.
 
Một số điểm sáng: đầu tư fdi tăng trưởng cao
 
  • Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng trưởng cao năm 2023: Đạt 36,61 tỷ USD (+32% svck) chủ yếu nhờ dòng vốn FDI mới tăng mạnh tập trung ở các lĩnh vực điện tử, năng lượng, chất bán dẫn cho thấy dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn đang là xu hướng toàn cầu và Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư. Thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực từ 1/1/2024 có thể ảnh hưởng tới thu hút vốn mới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến thu hút dòng vốn FDI nhờ (1) lợi thế địa lý, nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều FTAs được ký kết; (2) Nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ đang được hoàn thiện; (3) Cơ sở hạ tầng phát triển.
  • Vốn FDI giải ngân tăng trở lại nửa cuối năm, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2023: Vốn FDI giải ngân 2023 đạt 23,18 tỷ USD (+3% svck).
 
Một số điểm sáng: đầu tư công được đẩy mạnh từ đầu năm
 
  • Đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ các tháng đầu năm: Giá trị giải ngân đầu tư công (bao gồm chuyển tiếp từ năm trước) tính đến cuối tháng 12 năm 2023 ước đạt gần 623 nghìn tỷ đồng, tăng 26% svck, đạt 82% kế hoạch Thủ tướng giao (2022: đạt 75% kế hoạch). Giá trị giải ngân theo tháng trong năm 2023 đều ghi nhận tăng mạnh trong nếu so sánh giai đoạn 4 năm trở lại đây.
  • Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khu vực nhà nước có mức tăng trưởng cao 14,6% svck trong khi khu vực nước ngoài FDI và tư nhân tăng thấp 3-5%.
 
Một số điểm sáng: hoạt động bán lẻ, tiêu dùng duy trì đà tăng trưởng
 
Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá tích cực: Ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng (+9,6% svck 2022) nhờ: (1) Tiêu dùng nội địa có sự phục hồi dần; (2) Lượng khách quốc tế tăng trở lại. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt khách, gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa kế hoạch 8 triệu lượt khách từ đầu năm. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ mặc dù vẫn chưa thể hồi phục về mức trước đại dịch nhưng hoạt động bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng trở lại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023.
 
Một số điểm sáng: hoạt động xuất, nhập khẩu khởi sắc giai đoạn nửa cuối năm
 
  • Tình hình xuất, nhập khẩu bắt đầu khởi sắc từ nửa cuối năm 2023: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2023 đạt 683 tỷ USD (-6,6% svck) không đạt kỳ vọng, tuy nhiên nửa cuối năm kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng trưởng dương trở lại do nhu cầu gia tăng trong dịp lễ hội. Trong đó, giá trị xuất khẩu một số nhóm ngành chủ lực của Việt Nam (điện thoại, linh kiện điện tử, hàng may mặc) bắt đầu phục hồi nhờ hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính giảm xuống mức thấp.
  • Cán cân thương mại thặng dư 28 tỷ USD, gấp gần 3 lần svck: Đây là con số xuất siêu cao nhất trong 13 năm qua, tuy nhiên nguyên nhân chính đến từ giá trị nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm và cầu tiêu dùng vẫn yếu
 
Một số điểm sáng: lạm phát, tỷ giá được kiểm soát
 
  • Lạm phát 2023 trong tầm kiểm soát: Chỉ số giá tiêu dùng CPI 2023 tăng 3,25% svck 2022. Lạm phát cơ bản tăng 4,16% svck. Lạm phát 2023 được kiểm soát tốt, tuy nhiên tăng cao hơn so với bình quân giai đoạn 2019 -2023 do (1) Giá học phí, điện, nước tăng theo lộ trình; (2) Giá lương thực, thực phẩm tăng theo đà tăng thế giới; (3) Giá nhóm nhà ở, VLXD tăng do chi phí đầu vào tăng.
  • Tỷ giá biến động nửa cuối năm nhưng đã hạ nhiệt: Tỷ giá tăng 3,04% so với đầu năm, giảm 1,29% so với mức đỉnh cuối tháng 11. Tình hình tỷ giá bớt áp lực hơn do xu hướng đồng USD và nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn trong bối cảnh FED tạm dừng tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuy có dấu hiệu nhích tăng cuối năm do tính mùa vụ nhưng vẫn ở mức thấp (dưới 1%).