Kinh tế vĩ mô: Những thông tin chính từ phát biểu của ông Tập Cận Bình và tác động tới Việt Nam

Nguồn: HSC

Những thông tin chính từ phát biểu của ông Tập Cận Bình và tác động tới Việt Nam

 

 

Tóm tắt

  • Để đạt được sự thịnh vượng chung, Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình phát triển kinh tế mới “lưu thông kép” - thúc đẩy ảnh hưởng qua lại tích cực giữa nền kinh tế trong nước và thế giới. Phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đảng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ ba.
  • Ông Tập Cận Bình cảnh báo, Trung Quốc cần sẵn sàng đối phó với một thời kỳ hỗn loạn mới trên phạm vi toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia, xoá tan hy vọng rằng ông sẽ sớm chấm dứt chính sách ZeroCOVID.
  • Trước khi đạt được một số lợi ích dài hạn, Việt Nam có thể tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn ngắn hạn do triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.

Những thông tin chính từ phát biểu của ông Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa an ninh quốc gia với phát triển kinh tế trong “mô hình mới” về “lưu thông kép” - thúc đẩy ảnh hưởng qua lại tích cực giữa nền kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, ông lặp lại khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, đề cập đến một chiến dịch nhằm hạn chế sự bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo vốn là đặc điểm nổi bật của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trên hành trình mới của kỷ nguyên mới là thúc đẩy Giấc mơ Trung Hoa thông qua con đường hiện đại hóa Trung Quốc. Ông Tập đã chỉ ra rằng, “tự cách mạng” là cách để thoát khỏi chu kỳ lịch sử dẫn đến suy thoái. Và chống tham nhũng là biện pháp tự cách mạng toàn diện nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bảo vệ chính sách Zero-COVID, trong khi tránh đưa ra thời điểm cụ thể Trung Quốc có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan, xoá tan hy vọng rằng ông sẽ sớm chấm dứt chính sách này.

Tác động tới Việt Nam

Theo HSC, việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng kinh tế của nước này ít nhất đến nửa sau năm 2023. Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong các quý tới. KNNK máy móc từ Trung Quốc (đóng góp 54% vào tổng KNNK của Việt Nam từ Trung Quốc) và KNNK điện thoại & linh kiện (đóng góp 39% vào tổng KNNK từ Trung Quốc) là hai mặt hàng quan trọng ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, KNXK sợi sang Trung Quốc (đóng góp 54% vào tổng KNXK của Việt Nam sang Trung Quốc) và KNXK rau quả (đóng góp 43% vào tổng KNXK sang Trung Quốc) là các mặt hàng chủ chốt cũng có mức tăng trưởng âm.

Trong dài hạn, một khi chính sách Zero-COVID-19 được dỡ bỏ, vốn FDI cam kết của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, do quan hệ thương mại giữa hai nước mang tính toàn diện hơn là cạnh tranh.