Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục

Nguồn: VCSC

Tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục

 

 

GDP tăng cao kỷ lục trong quý 3/2022. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP của Việt Nam tăng 13,67% YoY trong quý 3/2022 - đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 (9T 2022) lên 8,83% - là mức tăng trưởng cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2022. Mức tăng trưởng cao kỷ lục của quý 3/2022 là chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nền kinh tế và từ mức nền thấp của quý 3/2021.

Khu vực Dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 18,9% YoY trong quý 3 và 10,6% trong 9T 2022, đóng góp 54,2% vào tăng trưởng GDP trong 9T 2022. Trong khi đó, khu vực Công nghiệp & Xây dựng tăng 12,9% trong quý 3/2022 và 9,4% trong 9T 2022, đóng góp 41,8% vào tăng trưởng GDP 9T 2022, với ngành Sản xuất/Chế biến chế tạo là động lực chính khi tăng 13% YoY trong quý 3 và 10,7% trong 9T 2022. Ngoài ra, Khu vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp tăng trưởng 3,2% trong quý 3/2022 và 3,0% trong 9T 2022, đóng góp 4,0% vào tăng trưởng GDP 9T 2022.

Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 8,2% và giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,7%

  • Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 8,2% từ mức 7,2% trong dự báo trước đây, nhờ mức tăng trưởng GDP cao kỷ lục trong quý 3/2022. Chúng tôi kỳ vọng khu vực Dịch vụ sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh trong khi tăng trưởng hoạt động thương mại có thể giảm tốc trong quý 4.
  • Chúng tôi điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,7% từ 7,0% do triển vọng kinh tế toàn cầu kém tích cực hơn và mức nền cao của năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng chi tiêu tài khóa cao hơn sẽ là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Các điều chỉnh dự báo vĩ mô đáng chú ý khác

  • Chúng tôi giảm dự báo lạm phát bình quân năm 2022 xuống 3,2% từ 3,5% do giá xăng dầu gần đây giảm mạnh và việc Chính phủ quản lý hiệu quả giá hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2023 đạt 4,0% do chúng tôi kỳ vọng Chính phủ có thể tăng giá một số hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là giá điện và học phí trong năm 2023.
  • Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2022 xuống lần lượt 13,0% và 11,0% từ 15% và 14,5%, do triển vọng nhu cầu toàn cầu thấp hơn. Điều chỉnh này tương ứng thặng dư thương mại dự báo đạt 11,2 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn so với 6,5 tỷ USD trong dự báo trước đó của chúng tôi. Chúng tôi cũng giảm dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 xuống lần lượt 7,5% và 8,0% từ 12% và 11%, tương ứng thặng dư thương mại 10,0 tỷ USD.
  • Chúng tôi nâng dự báo tỷ giá USD/VND tăng 5% từ 2,5% trong năm 2022 do Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Công cụ CME Fed WatchTool của hiện tại cho thấy Ủy ban thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) có thể tăng lãi suất cơ sở lên 4,25% - 4,5% vào cuối năm 2022 (cao hơn 1,0 điểm % so với dự báo vào cuối tháng 6) và đồng USD mạnh hơn (dự báo chung của Bloomberg cho thấy chỉ số DXY vào cuối năm 2022 ở mức 111 so với mức 105 theo dự báo đưa ra 3 tháng trước). Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ giảm trong năm 2023 khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại của Fed - và đồng USD - đạt đỉnh và chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm 1% trong năm 2023.
  • Chúng tôi giảm dự báo dự trữ ngoại hối năm 2022 xuống còn 90 tỷ USD, nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng NHNN sẽ tăng dự trữ trở lại mốc 98 tỷ USD (tương đương 2,7 tháng nhập khẩu) trong năm 2023.

Một số kết quả kinh tế đáng chú ý khác trong tháng 9 và 9T 2022

Sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 9. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tăng 13% YoY tháng 9 và 9,6% trong 9T 2022. Trong đó, IIP ngành chế biến, chế tạo tăng 12,5% YoY trong tháng 9 và 10,4% trong 9T 2022. Theo S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9, cho thấy ngành sản xuất tiếp tục mở rộng trong 12 tháng liên tiếp. Báo cáo PMI cho thấy các đơn hàng mới tiếp tục tăng, qua đó hỗ trợ sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng đơn hàng mới có sự giảm tốc do tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu mới chững lại.

Tổng doanh thu bán lẻ tiếp tục phục hồi mạnh. Tính chung 9T 2022, tổng doanh thu bán lẻ tăng 21% YoY (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,8% YoY), trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm lần lượt là 5,0% và 6,6%. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh vào cuối năm, nhờ lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và thu nhập bình quân cao hơn.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 90% kế hoạch năm trong 9T 2022. Theo TCTK, tổng thu và chi NSNN trong 9T 2022 lần lượt đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng (+22% YoY) và 1.086,3 nghìn tỷ đồng (+5,4% YoY), hoàn thành 94% và 61% kế hoạch năm. Do đó, ngân sách Nhà nước thặng dư tài khóa 241 nghìn tỷ đồng trong 9T 2022, so với mức chỉ 46,9 nghìn tỷ đồng trong 9T 2021. Thu ngân sách nhà nước khả quan có thể hỗ trợ Chính phủ thực hiện các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu.

Vốn FDI giải ngân đạt mức cao kỷ lục. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), vốn FDI giải ngân trong tháng 9 đạt 2,6 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI giải ngân trong 9T 2022 lên mức cao kỷ lục là 15,4 tỷ USD (+16,2% YoY). Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký giảm 15,3% YoY còn 18,8 tỷ USD trong 9T 2022 do quá trình nghiên cứu khả thi của các dự án mới gặp gián đoạn trong giai đoạn COVID-19. Kết quả kinh tế của tháng 9 hỗ trợ thêm cho kỳ vọng của chúng tôi rằng vốn FDI giải ngân sẽ vẫn tăng mạnh trong năm 2022.

Việt Nam xuất siêu 6,8 tỷ USD trong 9T 2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (TCHQ), kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 282,3 tỷ USD (+17,2% YoY) và 275,6 tỷ USD (+12,8% YoY), dẫn đến thặng dư thương mại 6,8 tỷ USD trong 9T 2022 so với thâm hụt thương mại 3,4 tỷ USD trong 9T 2021.

Giá xăng dầu giảm giúp giảm áp lực lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% MoM và 3,94% YoY. Tính chung 9T 2022, CPI bình quân chỉ tăng 2,73% YoY. CPI của nhóm ngành giáo dục tăng 5,84% MoM, mức tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm ngành chính trong rổ chỉ số CPI do học phí cao hơn thời điểm đầu năm học mới. Ngược lại, giá xăng dầu trong nước giảm (-6,0% MoM) đã giúp hạn chế lạm phát. Giá xăng dầu trong nước giảm trong thời gian gần đây và giá thịt lợn giảm có thể giúp hạn chế áp lực lạm phát trong tháng 10.

Tỷ giá USD/VND có mức tăng mạnh nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2022. Tỷ giá USD/VND liên ngân hang đạt 23.861 tính đến ngày 30/9, tương ứng tăng 1,7% trong tháng 9, mức tăng mạnh nhất tính theo tháng kể từ đầu năm. Tỷ giá USD/VND tăng chủ yếu do Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 9, Fed tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn để chống lạm phát và chỉ số DXY cho đồng USD tăng 3,1%. So với cuối năm 2021, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,3%.