Nguồn: PHS
Một năm phục hồi thần tốc nhưng "cơn gió ngược" dần lộ diện
1. GDP
Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với GDP cả năm 2022 đạt mức 8.02%YoY, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, khu vực dịch vụ là điểm nhấn với mức tăng trưởng 10.0%.
Tuy nhiên, tính riêng trong quý 4/2022, GDP chỉ tăng 5.92%YoY, thấp hơn tốc độ tăng trung bình của quý 4 trong giai đoạn 2011-2019 và giảm đáng kể so với mức tăng 13.7% trong quý 3. Nguyên nhân là do mức nền thấp đã không còn và đồng thời lĩnh vực sản xuất bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.
2. Sản xuất công nghiệp
Suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến triển vọng ngành sản xuất ở Việt Nam. Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm dần trong 4 tháng liên tiếp và đang đứng trước nguy cơ có thể tăng trưởng âm vào đầu năm sau bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đơn hàng sụt giảm. Một số ngành công nghiệp trọng điểm liên quan đến xuất khẩu thậm chí đã tăng trưởng âm ngay từ quý 4/2022 có thể kể đến như sản xuất trang phục, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic,…
Trong khi đó, PMI có tháng thứ hai liên tiếp rơi xuống dưới mức trung tính 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh đang dần thu hẹp. Số lượng đơn hàng mới giảm kéo theo việc cắt giảm sản lượng và nhân công. Mặc dù giá cả đầu vào đang tăng tốc bởi tình trạng thiếu nguyên liệu, các nhà sản xuất buộc phải tiếp tục giảm giá bán đầu ra để bán được hàng.
Ngành sản xuất dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Kỳ vọng việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc cũng như Fed có thể dừng kế hoạch tăng lãi suất sẽ là động lực phục hồi cho ngành sản xuất trong giai đoạn cuối năm.
3. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Thương mại hàng hóa dịch vụ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong quý 4/2022 với việc đẩy mạnh tiêu dùng nội địa nhờ các chính sách kích cầu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh việc sức mua người tiêu dùng phục hồi sau đại dịch, đà tăng của giá cả hàng hóa cũng là yếu tố tác động vào mức tăng của nhóm bán lẻ hàng hóa trong năm 2022. Trong khi đó, nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng quy mô vẫn còn khiêm tốn.
Trong năm 2023, thương mại hàng hóa sẽ tiếp tục là mũi nhọn quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Với mảng bán lẻ, kinh doanh bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng giúp đem lại hiệu quả tích cực. Trong khi đó, mảng du lịch lữ hành dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ và sớm đạt được quy mô như trước dịch nhờ lượng khách từ Trung Quốc khi quốc gia này bắt đầu mở cửa trở lại.
4. Chỉ số giá tiêu dùng - CPI
Lạm phát năm 2022 được kiểm soát tốt theo mục tiêu của Quốc hội đề ra với CPI bình quân tăng 3.15%YoY. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh lạm phát thế giới căng thẳng. Mức nền cao của giá xăng dầu là tác nhân chính đối với đà tăng của CPI trong năm 2022. Trong năm 2023, sức ép của nhóm ngành này sẽ giảm đáng kể khi Chính phủ tiếp tục thực hiện hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng dầu. Mặc dù vậy, lạm phát đang có xu hướng leo thang ở các nhóm ngành khác bởi yếu tố chi phí đẩy. Dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh vào nửa đầu năm trước khi hạ nhiệt vào cuối năm, tương ứng với mức tăng 3.9% và hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra.
5. Xuất nhập khẩu
Nhu cầu suy yếu tại các thị trường lớn đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu quý 4 sụt giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn duy trì xuất siêu. Kết quả này giúp Việt Nam có năm xuất siêu thứ 7 liên tiếp, góp phần giảm áp lực cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao 10.6%YoY nhờ tận dụng lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại. Bước sang năm 2023, xuất khẩu thương mại dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức đến từ cả yếu tố chi phí giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và nhu cầu đầu ra sụt giảm.
6. Đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI
Trong năm 2022, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do thiếu vắng các dự án đăng ký mới. Bối cảnh kinh tế toàn cầu xảy ra nhiều biến động cũng như việc tỷ giá leo thang đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các đối tác. Tuy nhiên, nhìn vào quy mô vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng đồng thời vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất trong nhiều năm, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại. Với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Việt Nam nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Đây sẽ là mắc xích quan trọng để thu hút dòng vốn FDI quay trở lại. Kỳ vọng thu hút vốn FDI trong năm 2023 có thể tăng từ 10-15% so với mức thực hiện của năm 2022, tương ứng với khoảng 30-32 tỷ USD.
7. Giải ngân vốn NSNN
Trong năm 2022, vốn thực hiện từ nguồn NSNN được tập trung đẩy mạnh và là một trong những mũi nhọn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua (85.2% kế hoạch). Công tác thực hiện của các dự án đầu tư công nhìn chung vẫn còn chậm trễ bởi nhiều nguyên nhân như vướng mắc về mặt thể chế, sự không nhất quán trong công tác điều hành, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế hay giá vật liệu xây dựng tăng cao,… Trong năm 2023, môi trường kinh tế dự báo sẽ nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, vai trò của vốn đầu tư công sẽ còn quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
8. Nhận định chung
Với mức nền cao của năm 2022, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm sau ở mức 6.5% được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu không còn nhiều, đồng thời dư địa tăng trưởng kinh tế có thể sẽ phải nhường chỗ cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 sẽ đến từ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, du lịch cũng sẽ là một trong những điểm sáng trong năm 2023 khi lượng hành khách Trung Quốc quay trở lại sau 3 năm đóng cửa.