Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA): KQKD Q4/2021 tăng trưởng khiêm tốn nhưng vượt kỳ vọng

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021 tăng trưởng khiêm tốn nhưng vượt kỳ vọng

 

VEA

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q4/2021 tăng 4% đạt 1.878 tỷ đồng, cao hơn 18% dự báo của HSC nhờ đóng góp của liên doanh và hoạt động cốt lõi vượt kỳ vọng. Lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng 4% đạt 5.752 tỷ đồng, bằng 105% dự báo.

Mặc dù KQKD năm 2021 vượt dự báo, HSC duy trì dự báo cho năm 2022- 2023 vì triển vọng các nguồn lợi nhuận chính (Honda và Toyota) không thay đổi.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 53.900đ (tiềm năng tăng giá: 28%). Triển vọng hiện đang cải thiện trong khi giá cổ phiếu đang rẻ với P/E đang thấp hơn so với bình quân quá khứ.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

Lợi nhuận thuần Q4/2021 của VEA cao hơn 17,5% so với dự báo của HSC và đạt 1.878 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ) nhờ lợi nhuận từ liên doanh và hoạt động kinh doanh cốt lõi vượt kỳ vọng.

Lợi nhuận từ liên doanh Q4/2021 giảm 5% so với cùng kỳ còn 1.709 tỷ đồng (đóng góp 90,5% lợi nhuận thuần trong kỳ) nhưng vượt 6,5% kỳ vọng của HSC. Lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi (không từ liên doanh, gồm bán xe tải và máy móc nông nghiệp) đạt 169 tỷ đồng (đóng góp 9,5% lợi nhuận trong kỳ) so với chỉ 6 tỷ đồng trong Q4/2020 (chúng tôi trước đó đã giả định mảng này lợi nhuận về cơ bản bằng không).

Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận thuần đạt 5.752 tỷ đồng, tăng trưởng 3,6% và đạt 105,1% dự báo của HSC là 5.471 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ liên doanh giảm 5%

Doanh số các liên doanh của VEA chỉ biến động nhẹ so với cùng kỳ trong Q4/2021. Doanh số xe máy của Honda tăng 1% so với cùng kỳ trong khi tổng doanh số ô tô của 3 liên doanh giảm 1,7% so với cùng kỳ. Theo đó, HSC cho rằng lợi nhuận của liên doanh giảm 5% so với cùng kỳ là vì các chi phí phát sinh từ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động logistic bị hạn chế và từ chi phí bán hàng giúp đẩy mạnh nhu cầu sau giãn cách.

Cụ thể:

  • Lợi nhuận từ Honda Q4/2021 giảm 8,5% so với cùng kỳ xuống còn 1.351 tỷ đồng (đóng góp 79% vào lợi nhuận liên doanh của VEA, giảm từ mức 82% trong Q4/2020). Doanh số bán xe máy chỉ tăng 1% so với cùng kỳ trong khi doanh số ô tô giảm 3,8% so với cùng kỳ.
  • Lợi nhuận từ Toyota Q4/2021 giảm 5,4% so với cùng kỳ xuống còn 279 tỷ đồng (đóng góp 16% vào lợi nhuận liên doanh của VEA, tương đương tỷ trọng đóng góp trong Q4/2020). Doanh số ô tô về cơ bản giữ nguyên so với cùng kỳ, đạt 30.129 xe.
  • Lợi nhuận từ Ford và từ các hoạt động khác Q4/2021 bất ngờ tăng 163,8% so với cùng kỳ lên 79 tỷ đồng (đóng góp 5% vào lợi nhuận liên doanh của VEA, cao hơn mức 2% trong Q4/2020). Ford lỗ trong năm 2020 nhưng có vẻ đã có lãi trở lại trong năm 2021.

Duy trì khuyến nghị Mua vào; giá mục tiêu và dự báo

Trước mắt HSC duy trì dự báo vì KQKD vượt kỳ vọng trong Q4/2021 xuất phát từ những yếu tố hiện chúng tôi chưa thấy có tính bền vững.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 53.900đ. Hiện tại, VEA có P/E dự phóng năm 2022 là 9,4 lần và năm 2023 là 8,7 lần; thấp hơn so với bình quân P/E trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ (từ đầu năm 2019) là 10,8 lần. Hiện cổ tức năm 2021 ước tính là 4.200đ; tương đương lợi suất cổ tức 10%.