Ngân hàng Á Châu (ACB): Gánh nặng dự phòng giảm

Nguồn: SSI

Gánh nặng dự phòng giảm

 

ACB

 

Tóm tắt Q1/2022

KQKD Q1/2022 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng với LNTT đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (+35,8% so với cùng kỳ). Điểm bất ngờ là việc hoàn nhập 338 tỷ đồng dự phòng do hoạt động thu hồi nợ cải thiện. Mặc dù chúng tôi kỳ vọng các khoản dự phòng sẽ giảm bớt trong năm 2022, nhưng chúng tôi đã không cho rằng mức giảm này xảy ra sớm trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 và 2020. Tổng dư nợ cho vay cuối Q1/2022 của ACB đạt 380 nghìn tỷ đồng (+5% so với đầu năm hay +17,2% so với cùng kỳ), với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ). Chúng tôi cho rằng đây là những khoản cho vay tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh. Tỷ trọng cho vay của ngân hàng đối với mảng xây dựng & kinh doanh bất động sản là khoảng 6% tại thời điểm cuối Q1/2022. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng của ACB thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu (7% so với đầu năm), nhưng cao hơn so với giai đoạn 2019-2020 của chính ACB. Theo ban lãnh đạo, đà tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốt trong 4 tháng đạt mức 8% so với đầu năm. ACB cũng đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

CASA cải thiện giúp chi phí vốn có xu hướng giảm. Tỷ lệ CASA tại ACB cải thiện rõ ràng với việc mở rộng thị phần CASA thêm 23 bps so với đầu năm. VCB và STB có thị phần CASA gia tăng trong Q1/2022 (lần lượt +58 bps và +25 bps so với đầu năm). Tỷ lệ CASA của ACB đạt 27% cuối Q1/2022 và 27,5% cuối tháng 4/2022. Cùng với việc phát hành trái phiếu có lợi suất thấp hơn trong năm 2021, chi phí vốn trung bình giảm xuống mức 3,12% (-19 bps so với quý trước và -59 bps so với cùng kỳ), từ đó giúp NIM cải thiện 30 bps so với quý trước. Tuy nhiên, NIM vẫn giảm -7 bps so với cùng kỳ do ảnh hưởng của những khoản lãi dự thu ngoại bảng của các khoản dư nợ tái cấu trúc Covid. Trong nửa cuối năm 2022, chúng tôi kỳ vọng các khoản lãi dự thu này sẽ có thể quay trở lại báo cáo kết quả kinh doanh, giúp duy trì NIM mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ.

Lãi từ giao dịch ngoại hối (+55% so với cùng kỳ) và thu từ nợ xấu đã xóa (tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ) tăng trưởng mạnh nhất trong các nguồn thu nhập ròng ngoài lãi. Phần lớn trong tổng thu nhập từ nợ xấu đã xóa (335 tỷ đồng) đến từ Nhóm 6. Trong khi đó, thu nhập từ dịch vụ tăng 18% so với cùng kỳ, chậm hơn so với 4 quý gần đây. Điều này một phần có thể là do mức phí bảo hiểm hàng năm từ bancassurance (APE) tương đối ổn định so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sự ra mắt của ACB One – ngân hàng số ra mắt vào tháng 2 với các ưu đãi miễn phí dịch vụ cho người đăng ký - có thể đã ảnh hưởng phần nào đến mức tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ thanh toán của ngân hàng.

OPEX tăng mạnh (+39% so với cùng kỳ) do không có các khoản hoàn nhập dự phòng. Trong Q1/2021, ACB đã hoàn nhập dự phòng 363 tỷ đồng liên quan đến một khoản tiền gửi liên ngân hàng. Điều này không diễn ra trong Q1/2022. Ngân hàng cũng ghi nhận trước khoảng 200 tỷ đồng chi phí nhân sự. Nếu loại trừ các khoản mục bất thường này, OPEX sẽ chỉ tăng 9% so với cùng kỳ và hệ số CIR điều chỉnh sẽ là 37% (so với mức 36% trong năm 2021).

Chất lượng tài sản vẫn vẫn nằm trong nhóm tốt nhất hệ thống. Tổng số dư nợ xấu tại ACB tăng 11% so với đầu năm, phù hợp với xu hướng chung của ngành. Tuy nhiên, dư nợ Nhóm 2 (-15% so với đầu năm) đi ngược với các ngân hàng khác (+20% so với đầu năm), cho thấy chất lượng tín dụng tổng thể của ACB vẫn duy trì tốt hơn các ngân hàng khác. Theo đó, tổng nợ quá hạn của ngân hàng tương đối ổn định (chỉ tăng 29 tỷ đồng, tương đương +0,6% so với đầu năm). Trong khi đó, tổng dư nợ chịu ảnh hưởng Covid giảm còn 15 nghìn tỷ đồng (-12% so với đầu năm, đã thu hồi được 1,2 nghìn tỷ đồng). Do dư nợ đã thu hồi được một phần, nên khoản trích lập dự phòng 338 tỷ đồng trước đó đã được hoàn nhập giúp chi phí dự phòng thuần trong kỳ ở mức 3 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối Q1/2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt là 0,42% và 0,82%. Ngân hàng không công bố số dư nợ được cơ cấu trực tiếp. Tuy nhiên, do tổng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi Covid giảm xuống, chúng tôi cho rằng dư nợ tái cấu trúc trực tiếp sẽ giảm từ mức 0,3% tổng dư nợ ở thời điểm cuối năm 2021. Tổng dự phòng cho các khoản vay có vấn đề (nợ quá hạn và khoản vay được tái cơ cấu trực tiếp) ước tính là 102% tại thời điểm Q1/2022.

Ước tính lợi nhuận và luận điểm đầu tư

Chúng tôi duy trì ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 41% so với cùng kỳ trong năm 2022, theo đó LNTT đạt 16,9 nghìn tỷ đồng (nhờ tăng trưởng tín dụng +16% so với cùng kỳ), NIM tăng 25 bps cùng việc hoàn nhập lãi dự thu ngoại bảng và giảm chi phí dự phòng (-57% so với cùng kỳ). Mặc dù duy trì việc quản lý rủi ro chặt chẽ và giải ngân ở mức thận trọng, ACB vẫn có thể đạt mức ROE hấp dẫn là 26,3% - đây là mức cao thứ 2 trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu. Áp lực tăng vốn không quá lớn, do hệ số CAR của ACB vẫn trên 11%. Việc ngân hàng không tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể giúp ngân hàng ít chịu những biến động quá mạnh trong giai đoạn hiện tại. Do đó, chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu ACB lên MUA, với giá mục tiêu 1 năm không đổi là 43.000 đồng/cổ phiếu.