Ngân hàng Á Châu (ACB): KQKD Q1/2022 Lấy lại đà tăng trưởng

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2022: Lấy lại đà tăng trưởng

 

ACB

 

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q1/2022 đạt 3.288 tỷ đồng (tăng 32,4%) nhờ tổng thu nhập HĐ tăng 20,7% và hoàn nhập chi phí dự phòng. Lợi nhuận thuần Q1/2022 sát kỳ vọng và bằng 24% dự báo của HSC cho cả năm 2022.

Tín dụng Q1/2022 tăng 5% so với đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1,6%. Tỷ lệ NIM tăng 25,4 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,45% nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 26,9%. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,82% và hệ số LLR giảm còn 188%.

Hiện P/B dự phóng năm 2022 của ACB là 1,49 lần; tương đương bình quân nhóm NHTM tư nhân. Thu nhập thu hồi nợ xấu có khả năng vượt dự báo của HSC cho năm 2022.

Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2022

ACB đã công bố lợi nhuận thuần Q1/2022 đạt 3.288 tỷ đồng (tăng 32,4% so với cùng kỳ) nhờ (1) tổng thu nhập HĐ tăng 20,7% so với cùng kỳ và (2) hoàn nhập chi phí dự phòng (liên quan đến nợ tái cơ cấu). KQKD Q1/2022 sát kỳ vọng và bằng 24% dự báo của HSC cho cả năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng Q1/2022 đã bằng hạn mức được giao ban đầu

Tín dụng tăng 5% so với đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng tăng chậm hơn, tăng 1,6% so với đầu năm. Theo đó, hệ số LDR thuần tăng lên 82,4% (từ 77,9% tại thời điểm cuối năm 2021). Tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,4% lên 103.869 tỷ đồng; theo đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là 26,9% (tại thời điểm cuối năm 2021 là 25,5%).

Tỷ lệ NIM cải thiện nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng

So với quý trước, tỷ lệ NIM tăng 25,4 điểm cơ bản lên 4,45%; chủ yếu nhờ chi phí huy động giảm 19,4 điểm cơ bản xuống còn 3,12% trong khi lợi suất gộp về cơ bản giữ nguyên ở 7,4% (chỉ tăng 0,5 điểm cơ bản).

Mặc dù lãi suất huy động gần đây chịu áp lực tăng, chi phí huy động tiền gửi khách hàng của ACB vẫn giảm 57 điểm cơ bản xuống còn 3,03% nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đã trong xu hướng tăng trong 2 năm qua và HSC cho rằng tỷ lệ này vẫn còn dư địa tăng tiếp trong những quý tới.

Về mặt huy động, lợi suất gộp cho vay khách hàng vẫn ổn định ở 8,7% (giảm 0,8 điểm cơ bản), cho thấy Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng tăng đã kéo theo lợi suất gửi tiền liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu tăng trong Q1/2022. Theo đó, thu nhập lãi thuần của ACB Q1/2022 đã tăng 17,3% so với cùng kỳ lên 5.441 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh

Thu nhập ngoài lãi Q1/2022 tăng mạnh 36% so với cùng kỳ và đạt 1.409 tỷ đồng, đóng góp 20,6% trong tổng thu nhập HĐ (năm 2021: 19,6%). Cụ thể:

  • Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 18,2% so với cùng kỳ đạt 739 tỷ đồng – chậm hơn so với mức tăng trưởng mạnh trong năm ngoái khi ACB bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ thỏa thuận bancassurance ký với hãng bảo hiểm Sunlife.
  • Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối đạt 303 tỷ đồng (tăng 54,7% so với cùng kỳ), duy trì được đà tăng trưởng mạnh.
  • Ghi nhận lỗ kinh doanh trái phiếu 5 tỷ đồng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài tăng.
  • Thu nhập khác tăng mạnh lên 369 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2021 cho thấy khả năng ghi nhận thu nhập từ thu hồi nợ xấu trong năm 2022 cao hơn dự báo.

Theo đó, tổng thu nhập HĐ tăng 20,7% so với cùng kỳ và đạt 6.850 tỷ đồng.

Chi phí HĐ tăng vì không còn hoàn nhập nhiều

Chi phí HĐ tăng 39,3% so với cùng kỳ lên 2.739 tỷ đồng, chủ yếu vì chi phí nhân viên tăng 25%. Bên cạnh đó, hoàn nhập dự phòng từ tài sản xấu từ trước để lại trong kỳ không đáng kể, chỉ là 25 tỷ đồng so với 363 tỷ đồng trong Q1/2021. Hệ số CIR Q1/2022 của ACB là 40%, cao hơn mức 36,4% trong Q1/2021.

Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt

Nợ xấu tăng 11,4% so với đầu năm lên 3.119 tỷ đồng, bằng 0,82% tổng dư nợ cho vay (tại thời điểm cuối năm 2021 là 0,77%). Trái lại, nợ nhóm 2 giảm 15% so với đầu năm, theo đó tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,42% (tại thời điểm cuối năm 2021 là 0,52%). Nợ xấu mới hình thành chỉ là 320 tỷ đồng (bằng 0,08% dư nợ cho vay).

Ngân hàng hoàn nhập 2,9 tỷ đồng dự phòng trong Q1/2022 nhờ 338 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng từ nợ tái cơ cấu. Hệ số LLR giảm còn 188% (từ 210% tại thời điểm cuối năm 2021). Nói chung, sự ổn định ở chất lượng tài sản và chi phí dự phòng giảm mạnh là những diễn biến tích cực – nhưng đã nằm trong dự đoán của HSC.

HSC đang xem xét lại dự báo nhưng duy trì khuyến nghị Mua vào & giá mục tiêu

Diễn biến giá cổ phiếu ACB tích cực hơn so với các ngân hàng khác trong thời gian gần đây vì tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng thấp; từ đó không chịu tác động tiêu cực từ tâm lý lo ngại của NĐT trước các động thái siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện ACB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,49 lần; tương đương bình quân nhóm NHTM tư nhân. Mặc dù lợi nhuận Q1/2022 nói chung sát kỳ vọng, chúng tôi vẫn đang xem xét lại một số dự báo của mình cho ACB.