Ngân hàng Á Châu (ACB): KQKD Q4/2021 giảm nhẹ vì chi phí hoạt động tăng cao

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021 giảm nhẹ vì chi phí hoạt động tăng cao

 

ACB

Tóm tắt

LNTT Q4/2021 của ACB giảm 5% còn 3.030 tỷ đồng vì chi phí hoạt động (tăng 27%) và chi phí dự phòng (tăng 106%) tăng đã “ăn” vào tổng thu nhập hoạt động (tăng 11%). LNTT cả năm 2021 đạt 11.998 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và đạt 97% dự báo của HSC.

Chất lượng tài sản vẫn rất tốt với tỷ lệ nợ xấu là 0,78%. Chi phí dự phòng Q4 tăng mạnh vì ACB mạnh tay trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu.

Hiện ACB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,57 lần; thấp hơn một chút so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,64 lần). HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo cho ACB.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

ACB đã tổ chức hội nghị chuyên viên phân tích để công bố BCTC sơ bộ Q4/2021 và năm 2021. Dựa trên phân tích của HSC, LNTT Q4/2021 giảm 5% so với cùng kỳ từ nền cao của Q4/2020, chủ yếu vì tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng chậm lại và chi phí tăng mạnh. Trước đó, chúng tôi đã dự báo LNTT Q4/2021 đạt 3.412 tỷ đồng.

LNTT năm 2021 đạt 11.998 tỷ đồng (tăng trưởng 25%) và đạt 97% dự báo của HSC.

Tăng trưởng tín dụng hồi phục trong Q4

Tín dụng Q4/2021 tăng 15,7% so với cùng kỳ (tăng 7,6% so với quý trước) lên 335,9 nghìn tỷ đồng nhờ nhu cầu tín dụng hồi phục cùng với sự mở cửa của nền kinh tế tại phía Nam. Dựa trên thông tin công bố của ACB và ước tính của HSC, tín dụng Q4/2021 tăng so với quý trước ở tất cả các phân khúc khách hàng. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân và DNNVV đóng góp 94% dư nợ cho vay trong khi 6% còn lại là cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn – cơ cấu này gần như giữ nguyên so với Q3/2021.

Trái lại, tiền gửi khách hàng Q4/2021 tăng 3,9% so với quý trước (tăng 7,7% so với cùng kỳ) lên 380,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng kém hơn tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, hệ số LDR giảm còn 79% từ 80,2% tại thời điểm cuối Q3/2021, chủ yếu vì ACB tăng cường phát hành trái phiếu.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn Q4/2021 tăng lên 25,4% từ 23,2% tại thời điểm cuối Q3/2021.

Tỷ lệ NIM giảm

Dựa trên ước tính của HSC, tỷ lệ NIM Q4/2021 giảm 14 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 4,02%; chủ yếu vì tín dụng tăng chỉ trưởng mạnh vào tháng 12/2021 và lợi suất gộp giảm vì ACB triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chung cả năm 2021, tỷ lệ NIM vẫn tăng 46 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 4,33% từ 3,87% trong năm 2020.

Trong Q4/2021, ACB đã hy sinh 389 tỷ đồng thu nhập từ lãi để hỗ trợ khách hàng còn cả năm 2021 Ngân hàng hy sinh 592 tỷ đồng khi triển khai tổng cộng 252 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất; từ đó khiến lợi suất gộp cho vay khách hàng giảm khoảng 0,23%.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần Q4/2021 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ lên 4.723 tỷ đồng; từ đó thu nhập lãi thuần cả năm 2021 đạt 18.873 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).

Thu nhập ngoài lãi hồi phục trong Q4

Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 tăng 35% so với cùng kỳ lên 1.053 tỷ đồng nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ hồi phục mạnh mẽ. ACB đã đẩy mạnh doanh số dịch vụ ngân hàng và bancassurance khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (ảnh hưởng nghiêm trọng tại khu vực phía Nam) dịu xuống kể từ Q4.

Lũy kế cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 4.495 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020.

Hiệu quả hoạt động tiếp tục cải thiện

Dựa trên ước tính của HSC, tổng chi phí hoạt động Q4/2021 tăng 27% so với cùng kỳ lên 2.237 tỷ đồng, chủ yếu xuất phát HĐKD cốt lõi. Chúng tôi cho rằng ACB đã không hoàn nhập dự phòng trích lập cho các tài sản có vấn đề từ trước để lại trong Q4/2021 (Q4/2020 Ngân hàng đã hoàn nhập đáng kể, là 471 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm 2021, ACB đã hoàn nhập 608 tỷ đồng dự phòng trích lập cho các tài sản có vấn đề từ trước để lại, giúp chi phí hoạt động giảm 10,7% so với cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2021, chi phí hoạt động tăng 6% lên 8.050 tỷ đồng. Với tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh hơn chi phí hoạt động, hệ số CIR năm 2021 giảm xuống còn khoảng 34,4% từ 45,5% trong năm 2020.

Chất lượng tài sản xuất sắc được giữ vững, chi phí dự phòng tiếp tục tăng

Tổng nợ xấu Q4/2021 gần như giữ nguyên so với quý trước (tăng 51,5% so với cùng kỳ), là 2.773 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu là 0,78%. Mặc dù tăng so với mức 0,59% tại thời điểm cuối Q3/2021, tỷ lệ nợ xấu Q4/2021 của ACB vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị.

Nợ tái cơ cấu tăng 26,9% so với quý trước (tăng 88,7% so với cùng kỳ) lên 17.030 tỷ đồng trong Q4/2021 vì ACB tiếp tục hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chi phí dự phòng tăng mạnh 106% so với cùng kỳ lên 508 tỷ đồng; trong đó ACB đã trích lập thêm 248 tỷ đồng cho nợ tái cấu trúc trong khi chi phí dự phòng ở HĐKD cốt lõi là khoảng 260 tỷ đồng.

Cho cả năm 2021, ACB đã trích lập dự phòng một cách quyết liệt với con số trích lập là 3.320 tỷ đồng (tăng 253% so với cùng kỳ). Ngân hàng đã trích lập toàn bộ 2.315 tỷ đồng dự phòng cho nợ tái cơ cấu tính đến cuối Q4/2021 mặc dù được phép trích lập trong 3 năm.

Hệ số LLR tăng lên 208% từ 195% tại thời điểm cuối Q3/2021.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

Hiện ACB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,57 lần; thấp hơn 4% so với bình quân P/B dự phóng năm 2022 của nhóm NHTM tư nhân là 1,64 lần. HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.