Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB): Dưới giá trị nhưng thiếu vắng động lực; duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng

Nguồn: HSC

Dưới giá trị nhưng thiếu vắng động lực; duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng

 

LPB

 

Tóm tắt

HSC giảm 8% giá mục tiêu cho LPB xuống 25.900đ (tiềm năng tăng giá 17,5%) và duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng. Chúng tôi đã điều chỉnh tác động pha loãng từ kế hoạch phát hành thêm trong khi gần như giữ nguyên dự báo cho năm 2022-2023.

HSC nâng một chút dự báo năm 2022-2023 (bình quân 0,7%) sau khi nâng giả định thu nhập lãi thuần, chi phí HĐ và chi phí dự phòng. Chúng tôi đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 7,8%.

Hiện P/B dự phóng 1 năm là 1,34 lần – dưới giá trị – chiết khấu 17% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân; phản ánh chất lượng tài sản chỉ ở mức trung bình và sự thiếu vắng động lực ngắn hạn.

Sự kiện: Phân tích KQKD năm 2021 & triển vọng năm 2022-2024

Lợi nhuận thuần năm 2021 của LPB đạt 2.874 tỷ đồng (tăng trưởng 54%) nhờ tổng thu nhập HĐ (tăng trưởng 29,3%) tăng trưởng mạnh và chi phí HĐ được kiểm soát tốt (chỉ tăng 9,6%) mặc dù chi phí dự phòng tăng mạnh 89% (HSC coi đây là diễn biến tích cực ở LPB). Từ năm 2022 trở đi, thu nhập lãi thuần của LPB dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa trên tăng trưởng tín dụng cao sẽ bù đắp sự sụt giảm của tỷ lệ NIM. Trong khi đó, chi phí dự phòng có thể tăng mạnh phản ánh chính sách trích lập quyết liệt hơn của LPB nhằm xử lý tài sản xấu. Chi phí HĐ dự báo sẽ được kiểm soát chặt nhưng nhiều khả năng sẽ tăng trong năm 2022-2023. Cuối cùng, HSC thấy rằng vào tháng 4-tháng 5/2022, LPB có kế hoạch phát hành 265 triệu cổ phiếu mới thông qua phát hành quyền mua.

Tác động: Về cơ bản giữ nguyên dự báo lợi nhuận thuần năm 2022-2023

HSC nâng dự báo tổng thu nhập HĐ, chi phí HĐ và chi phí dự phòng. Theo đó, chúng tôi nâng 0,5% dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 (tăng trưởng 47,3%) và nâng 1% dự báo lợi nhuận thuần năm 2023 (tăng trưởng 18,7%). Đồng thời, HSC đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận thuần chỉ tăng trưởng 7,8% vì đến năm 2024, phí banca trả trước nhiều khả năng sẽ không còn được ghi nhận. Theo dự báo mới – thấp hơn 15% so với bình quân dự báo trên thị trường vì ước tính EPS của HSC đã điều chỉnh pha loãng – EPS giai đoạn 2021-2024 tăng trưởng với tốc độ CAGR 8,4% (lợi nhuận thuần tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,7%).

Định giá và khuyến nghị

HSC hạ 8% giá mục tiêu của LPB xuống 25.900đ (tiềm năng tăng giá: 17,5%) và duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng. Giá cổ phiếu LPB đã tăng 8% trong 6 tháng qua nhưng hiện vẫn thấp hơn 25% so với đỉnh gần đây (thiết lập vào tháng 6/2021) với P/B dự phóng 1 năm là 1,34 lần; chiết khấu 17% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,6 lần). Chúng tôi cho rằng mức chiết khấu này là hơi cao và phản ánh chất lượng tài sản chỉ ở mức trung bình cộng với sự thiếu vắng động lực ngắn hạn. HSC đánh giá cao quá trình tái cơ cấu diễn ra một cách ấn tượng tại LPB trong 3 năm qua, với kết quả là hệ số ROE tăng, chất lượng tài sản cải thiện và hệ số CIR giảm. Tuy nhiên, có lẽ Ngân hàng vẫn cần thêm thời gian để có thể bắt kịp các NHTM tư nhân đứng đầu.