Nguồn: HSC
KQKD Q4/2021: Chi phí dự phòng ăn vào lợi nhuận
Tóm tắt
Lợi nhuận thuần Q4/2021 giảm 45,6% xuống còn 2.921 tỷ đồng từ nền cao cùng kỳ. Lợi nhuận thuần cả năm 2021 đạt 14.092 tỷ đồng (tăng trưởng 2,9%), sát kỳ vọng của HSC nhưng thấp hơn khoảng 9% so với dự báo bình quân của thị trường.
Tín dụng tăng tốc (tăng 11,1% so với cùng kỳ và tăng 4,5% so với quý trước) và tỷ lệ NIM hồi phục một chút (tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước) trong Q4/2021. Thu nhập ngoài lãi (tăng 22%) tăng tốt chủ yếu nhờ thu nhập thu hồi nợ xấu trong khi lãi thuần HĐ dịch vụ chỉ tăng khiêm tốn (tăng 3,1%).
Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,16% nhờ CTG tiếp tục trích lập dự phòng và xóa nợ xấu. Hệ số LLR tăng lên 180,4%.
HSC đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị.
Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021
CTG công bố KQKD Q4/2021 không tích cực với lợi nhuận thuần giảm 45,6% so với cùng kỳ xuống còn 2.921 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng khiêm tốn (tăng 5,6% so với cùng kỳ) và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (tăng 1,6% so với cùng kỳ) nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 535,4% so với cùng kỳ) đã ăn vào lợi nhuận.
Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận thuần đạt 14.092 tỷ đồng (tăng trưởng 2,9%), mức tăng trưởng thấp nhất trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị.
Tín dụng tăng tốc trong Q4/2021
Tổng tín dụng tăng 11,1% so với cùng kỳ (tăng 4,5% so với quý trước) đạt 1,141 triệu tỷ đồng; cao hơn một chút so với kỳ vọng của HSC nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng của ngành là khoảng 13,7% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng cá nhân (tăng 18,1% so với cùng kỳ) và DNNVV (tăng 15,1% so với cùng kỳ) là động lực tăng trưởng chính trong khi cho vay DNNN chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng trưởng mạnh hơn tín dụng, tăng 17,3% so với cùng kỳ (tăng 8,3% so với quý trước) lên 1,162 triệu tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn tăng 21% so với cùng kỳ, theo đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 20,1% từ 19,3% tại thời điểm cuối Q3/2021.
Tỷ lệ NIM hồi phục nhẹ
Tỷ lệ NIM tăng nhẹ 7 điểm cơ bản so với quý trước lên 2,94% với cả lợi suất gộp (tăng 9 điểm cơ bản so với quý trước) và chi phí huy động (tăng 4 điểm cơ bản so với quý trước) cùng tăng nhẹ. Tỷ lệ NIM bình quân cả năm 2021 đạt 3,1%; tăng 12 điểm cơ bản so với năm 2020 nhờ chi phí huy động (giảm 90 điểm cơ bản) giảm mạnh hơn lợi suất gộp (giảm 73 điểm cơ bản).
Tóm lại, thu nhập lãi thuần chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ trong Q4/2021. Thu nhập lãi thuần cả năm 2021 đạt 41.788 tỷ đồng (tăng trưởng 17,4%), sát với kỳ vọng.
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng khá
Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 tăng 22% so với cùng kỳ lên 3.491 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập từ thu hồi nợ xấu (tăng 94% so với cùng kỳ) tăng mạnh. Các nguồn thu nhập ngoài lãi khác như lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 3,1% so với cùng kỳ), lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (giảm 5,8% so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu (giảm 3,4% so với cùng kỳ) đạt kết quả khiêm tốn.
Lũy kế cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 11.360 tỷ đồng (tăng trưởng 16,7%), chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng trưởng khá và thu nhập từ thu hồi nợ xấu đạt cao (nhờ các khoản thu nhập không thường xuyên ghi nhận vào Q2/2021 và Q4/2021).
Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt
Tổng chi phí hoạt động Q4/2021 tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ lên 5.832 tỷ đồng; theo đó chi phí hoạt động cả năm 2021 là 17.178 tỷ đồng (tăng 6,8%). Hệ số CIR năm 2021 giảm còn 32,3% (từ 35,5% trong năm 2020), cho thấy hiệu quả hoạt động có sự cải thiện.
Áp lực đối với chất lượng tài sản dịu bớt
Tổng nợ xấu Q4/2021 giảm 21% so với quý trước (tăng 50% so với cùng kỳ) xuống 14.300 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của CTG giảm còn 1,26% (từ 1,67% tại thời điểm cuối Q3/2021) trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 1,25% (từ 0,45% tại thời điểm cuối Q3/2021).
Chi phí dự phòng tăng mạnh 535% từ nền thấp trong Q4/2020 lên 4.377 tỷ đồng nhưng giảm so với quý trước (giảm 21%). Theo ban lãnh đạo, CTG đã trích lập dự phòng cho 90% nợ tái cơ cấu, nghĩa là nhiều hơn so với yêu cầu của Thông tư 03.
Theo đó, chi phí dự phòng cả năm 2021 là 18.382 tỷ đồng (tăng 51,3%). Chi phí tín dụng năm 2021 ở mức 1,73%; cao hơn so với dự báo của HSC là 1,61%. Hệ số LLR tăng lên 180,4% (từ 119% tại thời điểm cuối Q3/2021), cao hơn kỳ vọng của chúng tôi. HSC cho rằng KQKD Q4/2021 đã cho thấy sự cải thiện dần của chất lượng tài sản.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
HSC đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị sau khi CTG công bố KQKD Q4/2021. Hiện CTG có P/B dự phóng năm 2022 là 1,6 lần; thấp hơn 39% so với BID và 45% so với VCB.