Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG): Dự báo NIM tăng nhờ tích cực chuyển hướng sang cho vay bán lẻ

Nguồn: VCSC

Dự báo NIM tăng nhờ tích cực chuyển hướng sang cho vay bán lẻ

 

CTG

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 2,4% giá mục tiêu còn 40.600 đồng/CP nhưng duy trì khuyến nghị MUA cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG).
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do (1) chúng tôi tăng dự báo chi phí vốn CSH từ 12,5% lên 13,0% và (2) chúng tôi điều chỉnh giảm P/B mục tiêu cho CTG từ 1,50 lần còn 1,45 lần, được bù đắp một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ mức tăng 3,1% trong dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 của chúng tôi.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 2,0% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 còn 20,2 nghìn tỷ đồng (+43,6% YoY) so với Báo cáo Cập nhật gần nhất của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi dự báo chi phí dự phòng năm 2022 tăng 14,0%, được bù đắp một phần bởi mức tăng 2,5% trong dự báo thu nhập từ lãi (NII) khi NIM tăng 4 điểm cơ bản và tài sản sinh lãi (IEA) tăng 2,2%.
  • Rủi ro chính: (1) Ngân hàng không thể nâng tỷ lệ cho vay bán lẻ và/hoặc tỷ lệ CASA; (2) phí ứng trước từ thương vụ bancasurrance không lớn như dự kiến; (3) tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến; (4) các gói hỗ trợ khách hàng vào năm 2022 cao hơn kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi nâng dự báo NIM sau diễn biến tăng tốc chuyển hướng sang mảng cho vay bán lẻ trong 6 tháng năm 2022. Vào cuối quý 2/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ cho vay của CTG (43,3%). Trong 12 tháng gần nhất, các ưu tiên trong chiến lược cho vay của CTG đã rõ ràng hơn khi dư nợ cho vay doanh nghiệp phi FDI đã giảm tính theo tuyệt đối – từ 407 nghìn tỷ đồng xuống còn 395 nghìn tỷ đồng. Mảng cho vay doanh nghiệp FDI chỉ tăng 10,3% trong thời gian trên đạt 64 nghìn tỷ đồng. Trái ngược lại, mảng cho vay bán lẻ tăng 34,3% trong giai đoạn 12 tháng này đạt 446 nghìn tỷ đồng, tương ứng 36,1% dư nợ cho vay của CTG trong quý 2/2022 – chỉ thấp hơn nhẹ so với tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI là 37,1%. Tốc độ tăng của mảng cho vay bán lẻ cao hơn dự báo của chúng tôi; do đó, chúng tôi nâng giả định tỷ trọng mảng cho vay bán lẻ từ 33,0% lên 37,2% vào cuối năm 2022. Do mảng cho vay bán lẻ sẽ đóng góp lợi suất cho vay cao hơn, chúng tôi nâng giả định NIM thêm 4 điểm cơ bản trong năm 2022.

Chất lượng tài sản của CTG có xu hướng kém tích cực hơn BID trong 12 tháng qua. Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo khoản dự phòng cho CTG trong năm 2022 cũng như tăng chênh lệch dự báo P/B mục tiêu giữa CTG và BID của chúng tôi. Trong 12 tháng qua, tỷ lệ nợ xấu của BID đã giảm 61 điểm cơ bản từ 1,63% xuống còn 1,02% trong quý 2/2022, trong khi tỷ lệ nợ xấu của CTG tăng thêm 1 điểm cơ bản từ 1,34% lên 1,35%. Trước đây, chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu của CTG trong năm 2022 là 1,40%, nhưng hiện nay chúng tôi nâng dự phóng này thêm 10 điểm cơ bản và giả định tỷ lệ xử lý nợ là 0,90% (so với 0,80% trong dự báo trước đây). Do đó, chúng tôi nâng dự báo chi phí dự phòng năm 2022 thêm 14,0% so với Báo cáo Cập nhật gần nhất của chúng tôi. Có sự tương đồng trong chênh lệch giá cổ phiếu của CTG so với BID và xu hướng chất lượng tài sản của 2 ngân hàng này, do đó chúng tôi cho rằng diễn biến cải thiện chất lượng tài sản gần đây của BID so với CTG là nguyên nhân chủ yếu cho việc tăng mức chênh lệch giá cổ phiếu giữa CTG và BID kể từ đầu năm 2022. Trong Báo cáo Cập nhật này, chúng tôi điều chỉnh giảm P/B mục tiêu cho CTG từ 1,50 lần xuống còn 1,45 lần, từ đó tăng mức chiết khấu P/B mục tiêu cho CTG so với BID từ 30% lên 34%.