Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG): KQKD Q1/2022 lợi nhuận giảm 28% từ nền cao

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2022: lợi nhuận giảm 28% từ nền cao

 

CTG

 

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q1/2022 của CTG giảm 27,8% xuống còn 4.664 tỷ đồng từ nền cao cùng kỳ nhưng tăng mạnh so với quý trước (tăng 60%). Lợi nhuận Q1/2022 thấp hơn kỳ vọng một chút và hoàn thành 22,4% dự báo của HSC cho cả năm 2022.

Tín dụng tăng mạnh (tăng 9,1% so với đầu năm) nhưng tỷ lệ NIM giảm 28 điểm cơ bản so với quý trước còn 2,66%. Chất lượng tài sản cải thiện (tỷ lệ nợ xấu là 1,25% và hệ số LLR là 197%).

HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2022

CTG đã công bố KQKD Q1/2022 với lợi nhuận thuần giảm 27,8% so với cùng kỳ xuống 4.664 tỷ đồng từ nền cao của Q1/2021. Tổng thu nhập HĐ tăng trưởng khiêm tốn (tăng 8,9% so với cùng kỳ) và chi phí HĐ được kiểm soát tốt (tăng 8,8% so với cùng kỳ) nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh đã ăn vào lợi nhuận (tăng 228% so với cùng kỳ).

Tín dụng tăng trưởng mạnh...

Tổng tín dụng Q1/2022 tăng 9,1% so với đầu năm đạt 1,245 triệu tỷ đồng với cho vay khách hàng tăng 8,7% và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 45%. Tăng trưởng tín dụng Q1/2022 của CTG cao hơn nhiều so với bình quân ngành là 5,04% và cũng cao hơn kỳ vọng của HSC. Hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện tại của CTG là 10%.

Tại thởi điểm cuối Q1/2022, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 1,26% tổng tín dụng, thấp hơn mức bình quân ngành khoảng 3,3%. Về cho vay khách hàng, động lực tăng trưởng trong Q1/2022 là cho vay khách hàng cá nhân (tăng 14% so với đầu năm) và DNNVV (tăng 9,2% so với đầu năm), trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn chỉ tăng 3,2% so với đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi khách hàng thấp hơn tăng trưởng tín dụng, chỉ tăng 4,4% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ổn định ở 20,2%. HSC kỳ vọng CTG có thể nâng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên 22-24% vào cuối năm.

... nhưng tỷ lệ NIM giảm

Tỷ lệ NIM giảm 28 điểm cơ bản so với quý trước xuống 2,66% vì lợi suất gộp (giảm 29 điểm cơ bản so với quý trước xuống 5,8%) giảm trong khi chi phí huy động vẫn ổn định ở 3,27%. Ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ lệ NIM sẽ hồi phục nhẹ từ Q2/2022. HSC cũng dự báo tỷ lệ NIM bình quân năm 2022 sẽ tăng nhẹ 8 điểm cơ bản lên 3,18%.

Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm còn 10.146 tỷ đồng (giảm 4,7% so với cùng kỳ), thấp hơn 8% so với dự báo của chúng tôi.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực

Tổng thu nhập ngoài lãi Q1/2022 tăng 72% so với cùng kỳ đạt 3.925 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (tăng 130% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (tăng 328% so với cùng kỳ) tăng mạnh. HSC ước tính CTG đã ghi nhận khoảng 1.000 tỷ đồng phí bancassurance trả trước. Những khoản mục khác như lãi thuần HĐ dịch vụ (giảm 0,4% so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu chỉ đạt kết quả khiêm tốn.

CTG mới chỉ mới bắt đầu bán độc quyền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho Manulife kể từ tháng 2/2022. Đồng thời, Ngân hàng đã áp dụng chính sách miễn phí giao dịch từ đầu năm 2022 để thu hút tiền gửi không kỳ hạn, nên lãi thuần HĐ dịch vụ Q1/2022 chỉ ở mức khiêm tốn là có thể hiểu được. HSC kỳ vọng doanh số bancassurance trong những tháng còn lại của năm 2022 sẽ tăng trưởng và là động lực quan trọng đóng góp vào lãi thuần HĐ dịch vụ.

Chi phí HĐ được kiểm soát tốt

Tổng chi phí HĐ Q1/2022 tăng 8,8% so với cùng kỳ (giảm 34,5% so với quý trước) xuống còn 3.821 tỷ đồng. Theo đó, hệ số CIR Q1/2022 giảm xuống còn 27,2% (từ 32,3% trong năm 2021), cho thấy hiệu quả HĐ được cải thiện. Cho năm 2022, chúng tôi dự báo chi phí HĐ tăng 11% và hệ số CIR giảm nhẹ xuống 31%.

Áp lực đối với chất lượng tài sản giảm bớt

Tổng nợ xấu tăng 7% so với quý trước lên 15.322 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 0,22% và CTG không xóa nợ trong Q1/2022. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giữ nguyên ở 1,25%.

Chi phí dự phòng tăng mạnh 228% so với cùng kỳ lên 4.427 tỷ đồng từ nền thấp trong Q1/2021 nhưng vẫn xấp xỉ những quý trước. Chi phí tín dụng theo năm là 1,57%; cao hơn dự báo của HSC cho năm 2022 là 1,36%. Ban lãnh đạo dự tính chi phí dự phòng năm 2022 ít nhất là 15 nghìn tỷ đồng so với dự báo của chúng tôi là 16,3 nghìn tỷ đồng.

Hệ số LLR tiếp tục tăng lên 197% (từ 180% tại thời điểm cuối năm 2021), cao hơn so với dự báo của HSC. Chúng tôi tin rằng kết quả Q1/2022 cho thấy sự cải thiện dần ở chất lượng tài sản. Trên thực tế, HSC dự báo hệ số LLR giảm về 143% vào cuối năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh thận trọng như thường lệ

CTG đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 29/4. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Dưới đây là những ghi nhận chính tại Đại hội:

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng, gồm: tăng trưởng tài sản 5-10%; tăng trưởng tín dụng dựa trên hạn mức của NHNN (hiện là 10%); tăng trưởng huy động 8-10%; và tăng trưởng LNTT 15%.

Kế hoạch LNTT của CTG thấp hơn nhiều so với dự báo của HSC (tăng trưởng 49%). Tuy nhiên, chúng tôi thấy kế hoạch của ban lãnh đạo tại các NHTM có vốn nhà nước thường sẽ đặt thấp và không có nhiều ý nghĩa về mặt phân tích.

Thông tin về cổ tức (tỷ lệ và hình thức chi trả) chưa xác định (phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền). Tuy nhiên HĐQT chỉ đề xuất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2021. HSC dự đoán CTG cuối cùng sẽ trả cổ tức tiền mặt (800đ/cp), bằng với năm ngoái bên cạnh cổ tức bằng cổ phiếu.

Duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện CTG có P/B dự phóng năm 2022 là 1,25 lần; chiết khấu 38% so với BID và 57% so với VCB.