Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG): KQKD Q3/2022 khả quan nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh

Nguồn: HSC

KQKD Q3/2022 khả quan nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh 

 

CTG

 

Tóm tắt

  • CTG đã công bố LNTT Q3/2022 đạt 4.157 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ nhưng giảm 28% so với quý trước), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh (tăng 41%). Lợi nhuận theo giá trị tuyệt đối không mấy ấn tượng vì chi phí dự phòng tăng 50%.
  • LNTT 9 tháng đạt 15.764 tỷ đồng (tăng 13%), bằng 75% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và sát kỳ vọng.
  • Chất lượng tài sản vẫn tốt với tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,42% nhưng hệ số LLR cũng tăng lên 222%.
  • HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị đối với CTG.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

CTG đã công bố LNTT Q3/2022 đạt 4.157 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ nhưng giảm 28% so với quý trước), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh (tăng 41% so với cùng kỳ). Tăng trưởng lợi nhuận xét về giá trị tuyệt đối không được ấn tượng vì chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 50% so với cùng kỳ). HSC thấy rằng CTG đã chủ động trích lập đáng kể dự phòng để xây dựng bộ đệm tài chính nhằm ứng phó với những khó khăn vĩ mô trong trung hạn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, LNTT đạt 15.764 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ), bằng 75% dự báo của chúng tôi cho cả năm 2022 và sát kỳ vọng.

Tín dụng Q3/2022 tăng trưởng thấp

Tổng tín dụng Q3/2022 tăng 10,2% so với đầu năm (tăng 0,5% so với quý trước) lên hơn 1,258 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 10,1% so với đầu năm (tăng 0,6% so với quý trước) lên 1,245 triệu tỷ đồng trong khi TPDN gần như giữ nguyên ở mức 12-13 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 1% tổng tín dụng).

Giống như BID, CTG đã gần sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao (10,7%) và đang xin thêm hạn mức mới cho năm nay.

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 2,4% so với đầu năm (giảm 1,3% so với quý trước) trong khi vốn huy động từ thị trường LNH tăng 11% so với quý trước (tăng gấp đôi so với đầu năm) lên 232 nghìn tỷ đồng. Với lãi suất tiền gửi tăng trong thời gian gần đây, tăng trưởng tiền gửi có thể sẽ bứt tốc và dần bắt kịp với tăng trưởng tín dụng, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ NIM.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2022 tăng nhẹ lên 20,5% từ 19,9% tại thời điểm cuối Q2/2022, là mức khá trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng mạnh trong 1-2 quý vừa qua.

Tỷ lệ NIM hồi phục tốt từ nền thấp

Tỷ lệ NIM Q3/2022 tăng 11 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 19 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 2,96% với lợi suất gộp tăng 19 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 12 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 6,26% và chi phí huy động tăng nhẹ 9 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ) lên 3,44%. Tỷ lệ NIM Q3/2022 đã hồi phục tốt từ nền thấp trong Q1/2022 (2,66%) và Q2/2022 (2,85%) nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ NIM của BID (3,01%).

Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ đạt 12,9 nghìn tỷ đồng trong Q3/2022 và tăng 12% so với cùng kỳ đạt 35 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, sát ước tính của HSC.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh

Thu nhập ngoài lãi Q3/2022 tăng mạnh 85% so với cùng kỳ đạt 4.401 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ đạt 1.465 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ), lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối đạt 843 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ) và thu nhập khác đạt 2.238 tỷ đồng (tăng 514% so với cùng kỳ). Thu nhập khác tăng mạnh nhiều khả năng là vì CTG hoàn nhập mạnh dự phòng. Lãi thuần HĐ dịch vụ Q3/2022 tăng 27% so với cùng kỳ (cao hơn nhiều mức tăng 7% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022) mặc dù Ngân hàng áp dụng chương trình miễn phí giao dịch, phần nào phản ánh hiệu quả của nỗ lực tập trung vào nền tảng ngân hàng số của CTG.

Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm 2022 tăng 56% so với cùng kỳ, bằng 90% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và cao hơn một chút kỳ vọng.

Chi phí HĐ vẫn được kiểm soát tốt

Tổng chi phí HĐ Q3/2022 tăng 33% so với cùng kỳ (tăng 13% so với quý trước) lên 4.847 tỷ đồng từ nền thấp trong Q3/2021. Theo đó, tỷ lệ CIR 9 tháng đầu năm 2022 giữ ở mức thấp là 27% (so với 28,9% trong 9 tháng đầu năm 2021), cho thấy hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng cao.

Chất lượng tài sản vẫn tốt

Tổng nợ xấu tăng 6% so với quý trước (tăng 23% so với đầu năm) lên 17.652 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,42% (từ 1,35% tại thời điểm cuối Q2/2022). Trong khi đó tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh 45% so với quý trước (tăng 88% so với cùng kỳ) lên 22.405 tỷ đồng (bằng 1,8% dư nợ cho vay). Tỷ lệ nợ xấu của CTG xấp xỉ mức bình quân các NHTM HSC khuyến nghị (tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước lên 1,43%), cho thấy chất lượng tài sản đang chịu áp lực nhất định khi các NHTM tăng lãi suất cho vay tăng để bù đắp sự tăng lên ở lãi suất huy động.

Trái lại, hệ số LLR tăng lên 222% từ 190% tại thời điểm cuối Q2/2022

Chi phí dự phòng Q3/2022 tăng mạnh 50% so với cùng kỳ lên 8.321 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm tăng lên mức cao kỷ lục là 1,9% (so với mức 1,71% trong năm 2021 và bình quân 1,2% trong giai đoạn 2017-2020). Chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng cho thấy có vẻ Ngân hàng đang xây dựng bộ đệm tài chính nhằm ứng phó với những khó khăn vĩ mô trước mắt và trong thời gian tới.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện CTG có P/B dự phóng năm 2022 là 0,95 lần; thấp hơn 36% so với BID và 55% so với VCB.