Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG): Lợi nhuận Q2/2022 tăng 107% từ nền thấp

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q2/2022 tăng 107% từ nền thấp

 

CTG

 

Tóm tắt

  • CTG công bố KQKD Q2/2022 khả quan với LNTT tăng 107% từ nền thấp và đạt 5.785 tỷ đồng. LNTT 6 tháng đạt 11.608 tỷ đồng (tăng 7%), bằng 48% dự báo của HSC cho cả năm 2022 và nói chúng sát kỳ vọng.
  • Tín dụng tăng 9,54% so với đầu năm (tăng 0,7% so với quý trước), cho vay khách hàng cá nhân là động lực tăng trưởng chính. Tỷ lệ NIM tăng 34 điểm cơ bản so với quý trước lên 3%. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,35% và hệ số LLR duy trì ở mức cao là 190%.
  • HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo. Hiện CTG có P/B dự phóng năm 2022 là 1,24 lần; thấp hơn 37% so với BID và 54% so với VCB.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022

CTG đã công bố KQKD Q2/2022 với LNTT tăng 107% so với cùng kỳ (từ nền thấp) đạt 5.785 tỷ đồng nhờ tổng thu nhập HĐ tăng tốt (tăng 23,8% so với cùng kỳ), chi phí HĐ được kiểm soát hiệu quả (tăng 2% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm (giảm 17% so với cùng kỳ).

Dư địa tín dụng Q2/2022 hạn chế

Tổng tín dụng Q2/2022 tăng 9,65% so với đầu năm (tăng 0,5% so với quý trước) đạt 1,25 triệu tỷ đồng. Vì dư địa tín dụng của CTG không còn nhiều (hạn mức tính dụng được giao là 10%), nên tăng trưởng tín dụng Q2 đã giảm tốc giống như ở nhiều NHTM khác.

CTG đã tập trung tối ưu hóa danh mục tín dụng bằng cách ưu tiên phân khúc khách hàng cá nhân. Theo đó, cho vay khách hàng cá nhân là động lực tăng trưởng chính (tăng 22,4% so với đầu năm và tăng 7,7% so với quý trước), trong khi cho vay doanh nghiệp lớn giảm (giảm 0,3% so với đầu năm và giảm 5% so với quý trước). Tại thời điểm cuối Q2/2022, cơ cấu cho vay của CTG gồm 36% cho vay khách hàng cá nhân (so với 30,8% tại thời điểm cuối Q2/2021); 26,7% cho vay DNNVV (so với 25,8% tại thời điểm cuối Q2/2021) và 31,9% cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn (so với 37,8% tại thời điểm cuối Q2/2021).

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng (tăng 3,8% so với đầu năm và giảm 0,6% so với quý trước) và giấy tờ có giá phát hành (tăng 1,5% so với đầu năm và igarm 3,6% so với quý trước) tăng khiêm tốn so với đầu năm và giảm so với quý trước. Trái lại, vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng (tăng 56,4% so với đầu năm và tăng 11,4% so với quý trước) tăng đáng kể. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm nhẹ còn 19,9% từ 20,2% tại thời điểm cuối Q1/2022. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm là xu hướng chung của ngành trong Q2/2022 vì mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng.

Tỷ lệ NIM hồi phục tốt

Tỷ lệ NIM tăng 34 điểm cơ bản so với quý trước lên 3% với lợi suất gộp tăng 46 điểm cơ bản và chi phí huy động tăng 12 điểm cơ bản. Mặc dù tỷ lệ NIM Q2/2022 vẫn thấp hơn mức 3,1% trong năm 2021, HSC kỳ vọng tỷ lệ NIM tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2022.

Nói chung, thu nhập ngoài lãi tăng 10,1% so với cùng kỳ trong Q2/2022 và tăng 2,8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022; bằng 47,1% dự báo của chúng tôi cho cả năm 2022.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực

Tổng thu nhập ngoài lãi Q2/2022 tăng 23,8% so với cùng kỳ đạt 3.968 tỷ đồng, nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng khá (tăng 15% so với cùng kỳ) đạt 1.560 tỷ đồng, lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh (tăng 57,7% so với cùng kỳ) đạt 814 tỷ đồng và lãi mua bán trái phiếu tăng rất mạnh (tăng 145% so với cùng kỳ) đạt 213 tỷ đồng, nhiều khả năng là nhờ hoàn nhập dự phòng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lãi thuần HĐ dịch vụ đạt 2.838 tỷ đồng (tăng 7,5% so với cùng kỳ). Mức tăng trưởng khiêm tốn là do CTG áp dụng chính sách miễn phí giao dịch, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập dịch vụ thanh toán trong ngắn hạn nhưng có thể giúp nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong dài hạn.

Chi phí HĐ được kiểm soát tốt

Tổng chi phí HĐ Q2/2022 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ (tăng 11,8% so với quý trước) lên 4.272 tỷ đồng. Theo đó, hệ số CIR 6 tháng đầu năm 2022 giảm xuống còn 27% (từ 28,5% trong 6 tháng đầu năm 2021), cho thấy hiệu quả hoạt động đã có sự cải thiện, và điều này tích cực hơn so với kỳ vọng của HSC. Hiện chúng tôi dự báo chi phí HĐ sẽ tăng 11% và hệ số CIR cải thiện đạt 31,9% (từ 32,3% trong năm 2021).

Áp lực đối với chất lượng tài sản dịu bớt

Tổng nợ xấu Q2/2022 tăng 8,8% so với quý trước lên 16.667 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 0,46% và tỷ lệ nợ xấu được xóa là 0,36%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của CTG tăng lên 1,35% (từ 1,25% tại thời điểm cuối Q1/2022). Đáng chú ý là trong khi nợ nhóm 3 (giảm 46,6% so với quý trước) và nợ nhóm 4 (giảm 25,9% so với quý trước) giảm, nợ nhóm 5 lại tăng (tăng 67,1% so với quý trước).

Chi phí dự phòng giảm 17% so với cùng kỳ (từ nền cao) nhưng tăng 32,9% so với quý trước, ở mức 5.884 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ, nợ nhóm 3 và nhóm 4 chuyển sang nợ nhóm 5 là lý do làm tăng chi phí dự phòng so với quý trước. Chi phí tín dụng theo năm trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên 1,72%; cao hơn so với dự báo của HSC cho năm 2022 là 1,37%. Ban lãnh đạo dự tính chi phí dự phòng trong năm 2022 ít nhất là 17 nghìn tỷ đồng (chúng tôi ước tính là 16,5 nghìn tỷ đồng).

Hệ số LLR giảm nhẹ xuống còn 189,7% (từ 197% tại thời điểm cuối Q1/2022).

Duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị. Hiện CTG có P/B dự phóng năm 2022 là 1,24 lần; thấp hơn 37% so với BID và 54% so với VCB.