Ngân hàng: Định giá đã rẻ nhưng chưa hết rủi ro

Nguồn: HSC

Định giá đã rẻ nhưng chưa hết rủi ro

 

 

Tóm tắt

  • Mặc dù hạ bình quân 6,4%/năm dự báo lợi nhuận thuần trước nhiều thách thức, HSC tin rằng các NHTM khuyến nghị vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 32,3%; 14,6% và 21,8% trong năm 2022-2024.
  • Thanh khoản thắt chặt và mặt bằng lãi suất tăng mạnh trên thế giới đã kéo chi phí huy động tăng nhanh, gây áp lực lên tỷ lệ NIM. Mặt bằng lãi suất tăng cộng với quy định mới chặt chẽ hơn về hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN và cho vay lĩnh vực BĐS được ban hành cho thấy rủi ro tín dụng năm 2023-2024 đã cao hơn.
  • Sau đợt bán tháo gần đây, hiện cổ phiếu ngân hàng có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,23 lần; thấp hơn 1,7 độ lệch chuẩn có với bình quân quá khứ. Lựa chọn hàng đầu của HSC là những NHTM có tiềm năng tăng giá cao nhất: TCB (81%), STB (76%), MBB (56%) và những NHTM có độ an toàn cao: ACB (54%) và VCB (20%).

Thanh khoản thắt chặt và lãi suất tiếp tục chịu áp lực tăng

Thanh khoản thắt chặt và mặt bằng lãi suất tăng là những xu hướng vĩ mô diễn ra kể từ giữa năm 2022, và còn có thể tiếp diễn đến giữa năm 2023. Tác động chủ yếu từ những xu hướng này đối với các NHTM là làm tăng chi phí huy động, từ đó gây sức ép lên tỷ lệ NIM cũng như tác động tiêu cực đến hoạt động mua bán trái phiếu/kinh doanh nguồn vốn. Nói chung, HSC cho rằng tác động từ những xu hướng vĩ mô trên đây là tiêu cực nhưng trong vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, những NHTM nhỏ như OCB, TPB và VIB sẽ chịu nhiều rủi ro hơn mặt bằng chung.

Các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN

HSC vẫn giữ quan điểm là Nghị định 65 của chính phủ sẽ tích cực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tác động của những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN nhiều khả năng sẽ làm giảm đáng kể sự tham gia của NĐT cũng như khả năng phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp phát hành. Sau vụ việc bắt giữ một số nhân vật liên quan đến tập đoàn BĐS Vạn Thịnh Phát, niềm tin của NĐT đã tiếp tục giảm xuống. Những NHTM có tỷ trọng tín dụng dành cho lĩnh vực BĐS và TPDN cao – đáng chú ý là TCB, VPB, TPB và MBB – có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Định giá đã chiết khấu sâu nhưng vẫn còn rủi ro trong ngắn hạn

Cổ phiếu ngân hàng đã giảm 19% trong 1 tháng qua vì NĐT tỏ ra tiêu cực về ngành. Theo dự báo mới của HSC – tổng lợi nhuận năm 2022-2023 lần lượt tăng trưởng 32,3% và 14,6% - hiện P/B trượt dự phóng 1 năm của cổ phiếu ngân hàng là 1,23 lần; thấp hơn 1,7 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ. Mức định giá này sát với đáy vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát tại Việt Nam. Mặc dù tin tưởng chắc chắn vào triển vọng dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam và mặt bằng định giá hiện tại đã rất hấp dẫn, chúng tôi thấy rằng vẫn còn những rủi ro trong ngắn hạn.

Những cổ phiếu HSC lựa chọn hàng đầu có tiềm năng tăng giá cao nhất, gồm: TCB (tiềm năng tăng giá 81%), STB (76%) và MBB (56%). Chúng tôi cũng ưa thích những cổ phiếu có tính an toàn cao như ACB (tiềm năng tăng giá 54%) và VCB (20%).