Ngân hàng ĐT và PT Việt Nam (BID): Chất lượng tài sản cải thiện giảm gánh nặng cho BID

Nguồn: VCSC

Chất lượng tài sản cải thiện giảm gánh nặng cho BID

 

BID

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) thêm 4,5% lên 44.200 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên MUA khi giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm khoảng 18% trong 3 tháng qua.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023, điều này được bù đắp một phần bởi mức giảm 1,2% trong dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 của chúng tôi. Chúng tôi duy trì P/B mục tiêu cho BID là 2,1 lần.
  • Mức giảm trong dự phóng lợi nhuận 2022-2026 của chúng tôi đến từ mức giảm thu nhập phí ròng (NFI) 13,9% sau tác động cao hơn dự kiến từ chương trình miễn phí dịch vụ, được bù đắp một phần bởi (1) tổng thu nhập từ lãi (NII) tăng 1,5% nhờ điều chỉnh tăng trong dự báo của chúng tôi đối với tỷ lệ CASA của BID, (2) tổng lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối tăng 13,6% và (3) tổng chi phí dự phòng giảm 0,9%.
  • Chúng tôi nâng dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 5,6% lên 16,3 nghìn tỷ đồng (+55,2% YoY) sau khi (1) giảm 7,9% trong dự báo chi phí dự phòng (do BID tiếp tục cho thấy các tín hiệu mạnh mẽ về sự cải thiện các chỉ số chất lượng tín dụng cũng như các khoản nợ được tái cơ cấu) và (2) lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 22,7%, được bù đắp một phần bởi NFI thuần được điều chỉnh giảm 13,9%. Chúng tôi duy trì dự báo thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý ở mức 8,8 nghìn tỷ đồng.
  • Rủi ro chính: (1) Cần huy động vốn để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai, gây ra rủi ro pha loãng; (2) các biện pháp hỗ trợ lãi suất cao hơn dự kiến cho khách hàng có thể ảnh hưởng đến NIM.

Kế hoạch kinh doanh tích cực và quyết liệt nhất trong nhóm các ngân hàng TMCP quốc doanh. Trong khi CTG đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT năm 2022 dự kiến là 14,8% YoY (mặc dù đặt mục tiêu ghi nhận phí bancassurance ứng trước đợt đầu tiên vào năm 2022) và VCB đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT tối thiểu 12% YoY, BID đã đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT tích cực với kế hoạch tăng trưởng 52,1% YoY lên 20,6 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT BID tự tin rằng ngân hàng có thể đạt được mục tiêu này do chi phí dự phòng được kỳ vọng sẽ giảm vào năm 2022 sau khi BID tích cực trích lập dự phòng để xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng trong vài năm qua. Với đà phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 mà chúng tôi đã ghi nhận cho đến nay và việc giảm các khoản nợ tái cơ cấu, chúng tôi đánh giá tích cực về lợi nhuận của các ngân hàng SOCB trong năm nay. Chúng tôi dự báo tổng thu nhập ròng của các ngân hàng SOCB sẽ tăng 45,7% YoY vào năm 2022.

Chỉ số chất lượng tín dụng được cải thiện trong quý 1/2022. Lần đầu tiên kể từ năm 2017, BID đã đưa thành công các chỉ số chất lượng tín dụng của mình xuống tương đương với mức bình quân của ngành vào quý 1/2022. Quý 1/2022 cũng là lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu cộng tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng và số dư VAMC thuần trên tổng dư nợ của BID được đưa xuống mức thấp hơn CTG. Các khoản nợ tái cơ cấu trong quý 1/2022 của BID cũng có sự cải thiện đáng kể khi nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ giảm xuống 1,48% từ 1,85% trong quý 4/2021. Chúng tôi cho rằng năm 2022 sẽ đánh dấu một cột mốc mới đối với BID. Với bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn và trích lập dự phòng thấp hơn, chúng tôi kỳ vọng LNST sau lợi ích CĐTS của BID sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 22,3% trong giai đoạn 2022-2025.